Nắm được phương pháp học tập tích cực, các bạn không những tiếp thu kiến thức môn học dễ dàng mà còn biết cách trình bày bài thi của mình một cách khoa học.
Làm sao để có phương pháp học tập hiệu quả và khoa học luôn là vấn đề khó khăn đối với nhiều học sinh, nhất là thời điểm các kỳ thi đang đến gần. Nắm được phương pháp học tập tích cực, học sinh không những tiếp thu kiến thức môn học dễ dàng mà còn biết cách trình bày bài thi của mình một cách khoa học và hiệu quả.
Có thái độ, động cơ học tập rõ ràng:
Đây là yếu tố quan trọng nhất tác động đến quá trình học tập của học sinh. Bạn sẽ không thể nào có được kết quả học tập tốt nhất nếu như không có được một thái độ học tập đúng đắn. Đa số các nhà tâm lý giáo dục học cho rằng: thái độ học tập, trong đó động cơ là yếu tố quyết định. Người học nên tự xác định cho mình động cơ đúng đắn bằng cách tự trả lời các câu hỏi: “Học để làm gì? Học cho ai? Học như thế nào?”...
Xác định phương pháp học tập hiệu quả:
Sau khi xác định đúng động cơ và thái độ học tập đúng đắn, tích cực; ta cần xác định phương pháp học tập sao cho hiệu quả và khoa học. Trước hết, ta cần xác định phương pháp tư duy. Trong mỗi bài học, ta luôn bắt gặp những những tình huống mâu thuẫn, có vấn đề.
Với những tình huống này, đòi hỏi người học phải vận dụng kỹ năng tư duy vào để giải quyết triệt để và thấu đáo. Chẳng hạn, với một bài toán, ta có thể vận dụng kỹ năng tư duy kết hợp với kiến thức để đưa ra nhiều cách giải khác nhau nhưng cuối cùng vẫn cho ta một đáp số hoặc trong một bài văn ta có thể mở bài bằng nhiều cách khác nhau (mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp) nhưng cuối cùng vẫn phải đảm bảo các ý cần thiết của phần mở bài.
Do vậy, phương pháp tư duy sẽ kích thích khả năng huy động vốn kiến thức của học sinh vào bài học, từ đó, giúp học sinh khắc sâu kiến thức và hiểu bài lâu hơn.
Với mỗi học sinh, việc ghi nhớ kiến thức của bài học như: các định nghĩa, công thức, định luật, định lý hay những sự kiện, mốc thời gian lịch sử; tiểu sử của một nhà văn, nhà thơ… thường rất khó khăn và tốn nhiều thời gian. Do vậy, phương pháp để ghi nhớ là rất quan trọng và cần thiết. Có thể thực hiện theo các bước sau:
Bước 1:
Trình bày kiến thức dưới dạng dàn bài. Trước tiên, bạn đọc lại toàn bài học từ 2 đến 3 lần. Sau đó, bạn tóm tắt nội dung bài học đó thành 1 dàn ý. Có thể đặt các đề mục để dễ dàng ghi nhớ như: I, II, III; 1, 2, 3 hoặc nhỏ hơn bằng a, b, c… tương ứng với mỗi mục là một nội dung.
Bước 2 :
Đọc nhẩm (ghi nhớ thầm). Đây là cách ghi nhớ kiến thức bài học bằng cách đọc nhẩm các ý trong dàn bài mới xác lập. Trong quá trình thực hiện, chỗ nào quên bạn dừng lại, lật dàn bài ra xem, gạch chân và đọc nhẩm lại. Lần lượt như vậy cho đến hết.
Bước 3:
Ghi ra giấy. Bên cạnh đọc nhẩm, ta có thể kết hợp với biện pháp ghi những kiến thức đó ra giấy. Cách này hiệu quả hơn cả, nhất là với những môn tự nhiên. Khi ghi, bạn chỉ tóm tắt phần quan trọng, lược bỏ những phần rườm rà, không cần thiết.
Bước 4:
Củng cố bài học. Việc củng cố bài học tưởng chừng không cần thiết nhưng nó lại rất quan trọng đối với người học. Ta có thể củng cố bằng nhiều cách như tự đặt ra những câu hỏi trên cơ sở nội dụng bài học để tự trả lời. Ngoài ra, ta có thể làm thêm một số bài tập với mức độ từ dễ đến khó để củng cố kiến thức lẫn thao tác khi làm bài tập, kết hợp với việc liên hệ so sánh kiến thức bài mới được học với những bài đã học để có cái nhìn tổng quan nhất, tránh nhầm lẫn và thiếu sót khi thực hành.
Đơn giản hóa khối kiến thức bài học bằng bản đồ tư duy. Vẽ bản đồ tư duy cũng là một phương pháp học được dùng khá phổ biến hiện nay, hiệu quả của cách học này là rất cao, nhất là với các môn khoa học xã hội. Với phương pháp này, người học dựa vào khả năng tư duy, tưởng tượng, sáng tạo của mình nhằm xác lập mối quan hệ cũng như tương quan của các đơn vị kiến thức của bài học để thể hiện các mối quan hệ như nhóm, đối tượng; liên hệ ý nghĩa, tác dụng, đặc điểm, ứng dụng,.. Trong quá trình này, ta phải chú ý mối quan hệ giữa các kiến thức với nhau để tránh chồng chéo và nhầm lẫn.