MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

15/07/2015
Nắm được phương pháp học tập tích cực, các bạn không những tiếp thu kiến thức môn học dễ dàng mà còn biết cách trình bày bài thi của mình một cách khoa học.

MỘT SỐ ĐỀ NGHI LUẬN XÃ HỘI ĐỂ ÔN -LUYỆN HỌC KỲ II VÀ TỐT NGHIỆP LỚP 12

MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

ÔN – LUYỆN ĐỂ KIỂM TRA HỌC KỲ II – NĂM HỌC 2013-2014

----------------------

    * Đề 1 :

            Trả lời câu hỏi điều tra của nhà bác học Han tơn, nhà bác học Đacuyn nói về kinh nghiệm thành công của mình như sau:

                “ Tôi nghĩ rằng tất cả những gì có giá trị một chút, tôi đều đã thu nhận được bằng cách tự học”

                  Anh /chị hãy viết một bài văn ngắn trình bày những suy nghĩ của mình về câu nói trên.

ĐỊNH HƯỚNG

I/Mở : Nêu được vấn đề cần nghị luận...

II/Thân :

1/ Giai thích câu nói của Đácuyn : chân lý về sự  tự học giúp người ta làm những điều có ý nghĩa.  Tự học là thực chất của sự học, tích cực chủ động đế với kiến thức, là tìm kiếm tri thức ngoài sách vở nhà trường…

2/Bàn luận ( phân tích, chứng minh, bình luận ...):

-  Con người biết tự học là con người có ước mơ, hoài bão, có lí tưởng đóng góp cho cuộc sống, vì :  

    + Có hoài bão, có mục đích ta mới có phương hướng để tự học,tìm tòi, biết học có phương pháp ( d/c)

    + Có hoài bão con người mới có kiên trì, bền bỉ tự học, có nghị lực vượt qua khó khăn (d/c)

      ( Đác uyn : việc học của ông gắn liền với hoài bão khoa học của ông)

-Muốn có kiến thức thực sự thì học sinh phải tự học ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường: xác lập hoài bão, mục đích để định hướng tự học, rèn luyện thói quen tự học, chuẩn bị tinh thần tự học, tận dụng các điều kiện để tự học (sách, báo, internet…)

III/ Kết bài : - Đánh giá , nhận xét vấn đề: phát biểu của Đácuyn là một kinh nghiệm quý báu....

                      - Rút bài học và liên hệ bản thân :  chúng ta phải biết tự học để thành tài, lập nghiệp cho mình và đóng góp cho đất nước

* Đề 2 :

            M. Farađây có nói: “Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại”.

            Hãy viết một bài văn ngắn  trình bày suy nghĩ của anh/chị  về câu nói trên.

ĐỊNH HƯỚNG

I/ MỞ BÀI : Nêu được vấn đề cần nghị luận

II/ THÂN BÀI :

 1/Giải thích:

 -  Khi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình, rất dễ dàng để nhận ra mọi việc đều đến rồi đi. Niềm vui, nỗi đau, sự khen ngợi, chê trách, khó khăn, dễ dàng, thành đạt, thất bại và bao nhiêu điều khác nữa.

-  Tình người là những tình cảm đẹp đẽ của con người, gắn kết những trái tim. Nó có thể là tình cảm lứa đôi, tình cảm gia đình, bè bạn, và cao hơn cả là tình người nói chung. Đó có thể là những tình cảm bình dị nhất, gần gũi nhất từ sự quan tâm, chăm sóc nhau trong cuộc sống đến những tình cảm lớn lao hơn mang tính giai cấp, cộng đồng.

2/  Bàn luận ( phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ...)

-  Câu nói trên có tác dụng như một sự nhắc nhở rằng mọi thứ đều có không gian, thời gian nhất định của nó, một quy luật cơ bản là không có điều gì tồn tại mãi mãi.

-  Cuộc sống chỉ tồn tại lâu bền nhất khi được nuôi dưỡng bởi suối nguồn của tinh người.(d/c)

- Thực tế, có những con người chạy theo quyền chức, danh lợi... sốngthiếu chân thành, đề cao cái tôi cá nhân,  lợi dụng hoặc xu nịnh kẻ khác mà đánh mất nhân tâm, đánh mất tình người...--> một lối sống ti tiện và thiếu tình người.( d/c)

III/KẾT BÀI :  Bàn học nhận thức và hành động:

-   Ý nghĩa của câu nói: Hãy sống yêu thương nhau. Đó là đạo đức của con người. Sống với tấm lòng rộng lượng, vị tha, sẵn sàng tha thứ, bỏ qua mọi lỗi lầm, sai phạm của người khác và không bao giờ nhắc đến...

- Liên hệ và bài học cho bản thân về động cơ sống và cách sống sao cho tình người còn mãi.

* Đề 3:

Trong truyện ngắn “Đời thừa”, Nam Cao để cho nhân vật Hộ bộc lộ suy gẫm: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình”.

Ý kiến của anh - chị ? 

ĐỊNH HƯỚNG

            Đề yêu cầu kiểm tra kiến thức xã hội của học sinh trong quan hệ ứng xử, khơi gợi lòng nhân ái về cách sống ở đời. Học sinh có thể đưa ra nhiều cách suy nghĩ, nhận định, bình giải về câu nói của Nam Cao và bày tỏ quan niệm sống, cách ứng xử của cá nhân (không yêu cầu nói về tác giả và tác phẩm Đời thừa), tựu trung cần đạt được những nội dung cơ bản sau: 

I/ Mở bài :

   - Trong truyện ngắn “Đời thừa”, Nam Cao để cho nhân vật Hộ bộc lộ suy gẫm: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình”.

  - Phải chăng qua sự suy gẫm trên của Hộ, chúng ta cùng trao đổi và hiểu như thế nào về quan niệm, cách ứng xử của con người trong cuộc sống  hiện nay.

II/ Thân bài :

    1/ Giai thích, phân tích và chứng minh  nội dung suy gẫm của nhận vật Hộ :       

         a/ “Kẻ mạnh” là gì?Tại sao lại nói :  “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ”?

             - Kẻ mạnh là kẻ có đầy đủ điều kiện vật chất và tinh thần.....

 - Trong cuộc sống, cũng lắm kẻ “ích kỷ”, chỉ biết lo cho chính mình, cố tạo uy thế (sức mạnh) cho cá nhân nhằm đạt đến những ham muốn quyền lợi riêng tư như về địa vị, chức vụ, vật chất, ... không quan tâm đến bất cứ ai quanh mình. Để tạo quyền lực cho bản thân, lắm kẻ dùng nhiều thủ đoạn thô bạo, đê tiện như: chèn ép, trù dập, chà đạp lên quyền lợi của người khác, gây bè phái nhằm hạ bệ lẫn nhau, “giẫm lên vai người khác” để ngoi lên, nhằm “thỏa mãn lòng ích kỷ”.

à Nam Cao phủ nhận cách sống ấy, xem những kẻ tạo sức mạnh cho mình bằng con đường như thế không phải là kẻ mạnh của một con người, xem đó là những kẻ không có tính người.

                b/ Quan niệm của Nam Cao: “Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình”. Nghĩa là: 

                 -  Kẻ mạnh trước tiên là kẻ có tình người, biết quan tâm, chỉa sẻ, nghĩ đến người khác, biết tương trợ, nâng đỡ những người khi gặp khó khăn, hoạn nạn ... bằng khả năng có được của chính bản thân một cách chân thành, trân trọng, xem đó còn là trách nhiệm (trên đôi vai của mình).

  Kẻ mạnh ở đây còn có nghĩa là vẻ đẹp về sức mạnh tinh thần, giàu lòng nhân ái, biết yêu thương đồng loại, biết làm những nghĩa cử cao cả đem lại lợi ích cho kẻ khác, như thế mới là con người.

            2. Ý nghĩa câu nói của Nam Cao và rút ra cho bản thân một cách sống đẹp.

              - Phê phán quan niệm và lối sống ích kỷ . thủ đoạn ...

           - Khơi gợi lòng nhân ái về cách sống cao cả và chân chính, không vụ lợi ...cho riêng mình...

à đó là cách sống đẹp “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

III/ Kết bài : 

            - Tóm lược , khẳng định ý nghĩa của câu nói.

            - Bài học liên hệ bản thân và mọi người : không dùng thủ đoạn để đạt mục đích mà làm hại đến người khác.Phải nhận thức đúng về lẽ sống...

-------------------------------------------------------

ĐỀ 4:  

Mara nói: “Người ta có vẻ lớn đối với chúng ta, bởi vì chúng ta quỳ. Chúng ta hãy đứng lên !”. 

            Ý kiến của anh, chị về câu nói trên ?

ĐỊNH HƯỚNG

            Học sinh có thể trình bày bằng nhiều cách để bộc lộ vốn kiến thức của mình về một vấn đề xã hội – về kĩ năng sống ; nhưng bài viết cần phải làm sáng tỏ những nội dung cơ bản sau:

I/ Mở bài :

     - Bàn về nhận thức, thái độ, hành động sống sao cho có ý nghĩa của mỗi người trong cuộc đời, Mara có câu:

 “Người ta có vẻ lớn đối với chúng ta, bởi vì chúng ta quỳ. Chúng ta hãy đứng lên !”. 

     - Với câu nói trên , Mara đã phê phán lối sống tự ti, hèn hạ của một số đông thanh niên hiện nay, từ đó tác giả cất lời động viên, kêu gọi mọi người hãy tự khẳng định mình bằng một lối sống mạnh mẽ, bản lĩnh … 

 II/ Thân bài :

1. Giai thích  làm rõ nội dung câu nói của Mara :

a. Ý thứ nhất: : “Người ta có vẻ lớn" và “vì chúng ta quỳ”.

- Chữ “lớn” và chữ “quỳ” ở đây không có ý nói về vóc dáng, hành động bên ngoài, mà nói về tư cách, vị thế của những con người đó.

- Chữ “quỳ” nên hiểu: Là tự hạ mình, tự ti, thiếu niềm tin vào khả năng của chính bản thân trước người khác, thậm chí hèn nhát không dám thể hiện đúng thực lực bản thân.

b. Ý thứ hai: Lời khuyên, lời kêu gọi của Mara : “Chúng ta hãy đứng lên”. Chữ “đứng lên” ở đây là nhằm nói đến sự tự khẳng định bằng ý chí, nghị lực, niềm tin để vươn lên

2. Phân tích, c/m những biểu hiện,nguyên nhân của lối sống “quỳ” :

Biểu hiện :

   + Đó là lối sống ươn hèn, ỉ lại, lười biếng…trong học tập và trong cuộc sống( c/m)

   + Đó là lối sống tự ti , không tin vào chính mình…( d/c)

Nguyên nhân: khiến bản thân thua kém người khác (như về địa vị, chức vụ, kinh tế hay về một năng lực nào đó v.v…) là do chính bản thân chúng ta đã tự hạ mình, thiếu cố gắng, không có tinh thần vượt khó nên mới thấy người khác vượt trội hơn ta.  

 3Bính luận ý nghĩa câu nói của Mara :

     - Khẳng định tư cách, ý chí, nghị lực vượt qua những khó khăn thử thách của mỗi con người trong mối quan hệ cuộc sống.Tài năng của con người được tạo bởi nhiều yếu tố:

    + Yếu tố bẩm sinh (thiên phú), nhưng thiên phú mà không biết cách phát huy thì tài năng kia cũng mai một, lụi tàn.

    + Ýếu tố tự rèn là yếu tố quan trọng để đi đến thành công. Để thấy mình không thấp hơn người khác, bản thân phải có sự lao động chăm chỉ, cần cù, không chùn bước trước gian nguy, phải biết tự tin vào chính bản thân trên bước đường đời.

              - Là lời động viên, kêu gọi lòng tự tin vào ý chí, năng lực để thể hiện thái độ, tư cách, vị trí của chính mình trong mối quan hệ cộng đồng, khác với tự kiêu, tự phụ, hống hách. Đứng lên” không phải bằng cách chèn ép, bôi nhọ, chà đạp người khác để được đứng lên trên nhằm thỏa mãn lòng ích kỷ cá nhân.

 -  Mở rộng ra là vấn đề dân tộc, đất nước trong mối tương quan quốc tế.

III/ Kết bài :

           - Tóm lược...

           - Bài học hành động cho bản thân và cho mỗi người.

*ĐỀ 5:

            “Người ta thường nói văn học là nhân học. Tôi công nhận. Nhưng với riêng tôi, văn học không chỉ là môn khoa học về con người. Cái cốt lõi của nó là lòng nhân ái”.

                       (Rasul Gamzatop – Theo báo Văn nghệ số 45 ngày 5/11/2011).

            Ý kiến của anh – chị về quan niệm trên.

ĐỊNH HƯỚNG

Yêu cầu học sinh hiểu được ý nghĩa văn học là nhân học và lòng nhân áitrong văn học, cần làm rõ các nội dung cơ bản sau:

I/ Mở bài

    - Rasul Gamzatop  : Người ta thường nói văn học là nhân học. Tôi công nhận. Nhưng với riêng tôi, văn học không chỉ là môn khoa học về con người. Cái cốt lõi của nó là lòng nhân ái”.

     - Câu nói trên của Rasul Gamzatop  đã khẳng định ý nghĩa văn học là nhân học và lòng nhân ái trong văn học...

II/ Thân bài :

            1. Giai thích làm rõ nội dung câu nói   :

              a.Vì sao lại nói : Văn học là nhân học : nếu dừng lại ở từ “nhân học” có nghĩa văn học là môn khoa học về con người. Môn khoa học về con người thì đòi hỏi tính chân lí khách quan. Điều đó không sai. Nghĩa là nhà văn miêu tả, phân tích, khám phá, phát hiện các mặt về đời sống con người từ sinh lí đến tâm linh ở góc độ khách quan một cách chân thực.

             b.Vì sao lại nói : văn học không chỉ là môn khoa học về con người. Cái cốt lõi của nó là lòng nhân ái”?

        -  Rasul Gamzatop không phủ nhận điều đó, nhưng nếu chỉ dừng lại ở một môn khoa học khám phá về con người là chưa đủ. Ông bổ sung và khẳng định rằng cái cốt lõi của văn học là lòng nhân ái. Bởi lẽ : ngoài việc miêu tả, phân tích, khám phá về con người,… nhà văn còn phải sử dụng ngòi bút thể hiện lòng thương người, phải biết đau với cái đau của cuộc đời, của nhân loại, của thời đại, biết lên án cái ác, ngợi ca cái thiện, phê phán cái xấu, biểu dương cái đẹp, biết nâng niu bảo vệ sự sống, quý trọng, tôn vinh nhân cách và phẩm giá con người.

            2.. Phân tích, chứng minh những biểu hiện của lòng nhân ái trong văn học xưa và nay : Dựa vào kiến thức đã học trong chương trình (như về Nguyễn Du, Nam Cao, Hồ Chí Minh (Nhật ký trong tù), Thạch Lam, Kim Lân, Banzac, Victor Hugo, Sôlôkhôp…), cũng như kiến thức về tác phẩm văn học đọc thêm ngoài chương trình để dẫn chứng, phân tích, chứng minh làm rõ:

a. Những tác phẩm có giá trị về nội dung tư tưởng lớn và nghệ thuật cao được công nhận và sống với thời gian là những tác phẩm (dù khai thác ở góc độ nào đi nữa) vẫn thể hiện ở đó lòng yêu mến, đồng cảm, sẻ chia của nhà văn đối với con người.

b. Ngược lại, cũng có những nhà văn có năng lực, nhưng khám phá, khai thác con người ở góc độ trần tục, thấp hèn, nhầy nhụa, hoặc thông qua lăng kính chủ quan áp đặt làm cho hình ảnh con người trở nên trần trụi, méo mó,… thiếu tình người, không mang tính nhân văn, tác động xấu đến nhận thức, tâm hồn người đọc.., đều bị phê phán, lên án.

3.Bình luận Ý nghĩa của câu nói :

   - Câu nói của Rasul Gamzatop đã khẳng định  để làm rõ thêm về quan niệm: “Văn học không chỉ là môn khoa học về con người. Cái cốt lõi của nó là lòng nhân ái” là có cơ sở.

   - Từ đó , câu nói làm rõ thêm chức năng , nhiệm vụ của văn học với con người và đời sống.

III/ Kết bài :   

-         Tóm lược nội dung đã nghị luận.

-         Thấy được vai trò và  ý nghĩa của văn học với đời sống …và trách nhiệm của nhà văn…

            Lưu ý: Ở nội dung 1, chỉ yêu cầu học sinh nêu rõ “văn học là nhân học” mà “nhân học” là một môn khoa học về con người, không yêu cầu chứng minh. Nội dung 2 và 3, không yêu cầu phải tách ra từng phần như trong đáp án, học sinh chỉ cần nêu ra luận điểm rồi phân tích chứng minh cho từng luận điểm là chấp thuận.

*ĐỀ 6:

          Những người bạn giả dối giống như những chiếc bóng: chúng theo gót ta ra ngoài nắng ấm, và rời bỏ ta ngay khi ta bước vào bóng râm. (C. Bôvi)

Ý kiến của anh – chị ? 

ĐỊNH HƯỚNG

            Đề yêu cầu kiểm tra kiến thức xã hội của học sinh trong quan hệ ứng xử, tình bạn, tình người, về cách sống ở đời. Học sinh có thể đưa ra nhiều cách suy nghĩ, nhận định, bình giải về câu nói của Bôvi và bày tỏ cách nhìn nhận, đánh giá, ứng xử và rút ra bài học cho bản thân, nhưng tựu trung cần đạt được những nội dung cơ bản sau: 

I/ Mở bài :

  - Bàn về thái độ và cách ứng xử trong tình bạn...C.Bovi có câu : Những người bạn giả dối giống như những chiếc bóng: chúng theo gót ta ra ngoài nắng ấm, và rời bỏ ta ngay khi ta bước vào bóng râm.

 - Câu nói của Bovi phải chăng đã phê phán bản chất của những kẻ cơ hội, thiếu nhân cách trong tình bạn của một số người đang diễn ra trong cuộc sống hiện nay.

II/ Thân bài :

1.Giai thích làm rõ nội dung của câu nói :

  a. Giả dối” là không chân thực, nhằm mục đích đánh lừa. “Những người bạn giả dối” là những người sống với bạn không thật lòng, chỉ dựa trên danh nghĩa tình bạn để lợi dụng bạn nhằm thực hiện những mưu đồ lợi ích riêng tư cho chính bản thân.

 b.   ..iống như những chiếc bóng: chúng theo gót ta ra ngoài nắng ấm, và rời bỏ ta ngay khi ta bước vào bóng râm.

  - tường minh : khi ta ra ngoài nắng ấm thì chiếc bóng luôn luôn xuất hiện ở bên cạnh ta; khi ta vào trong bóng râm , phản chiếu của ánh nắng không còn thì bóng ta sẽ mất đi. Đó là một hiện tượng vật lý khách quan mang tính tất yếu.

Hàm ý “nắng ấm có thể hiểu đó là khi ta có cuộc sống có thể là thành đạt, khá giả, sung túc, vinh quang… thì lúc ấy “những người bạn giả dối” bám theo ta để nương tựa, nhờ đỡ, lợi dụng ta vì lợi ích nào đó cho chính bản thân. Ngược lại bóng râm có thể hiểu đó là lúc ta rơi vào cảnh thất cơ, lỡ vận, khó khăn, hoạn nạn,… thì sự giả dối ấy của họ tất yếu hiện hình, lộ rõ, rời bỏ ta vì biết rằng bám theo ta cũng không có thêm được lợi ích gì. 

2.Phân tích, chứng minh những biểu hiện của sự giả dối :

   - Trong học tập…

   - Trong cuộc sống…

                3. Bình luận mở rộng về tình bạn và ý nghĩa câu nói của Bôvi.  

a. Tình bạn hiểu đúng nghĩa là người quen biết, có quan hệ gần gũi, do hợp tình, hợp ý, cùng chí hướng … là sự kết nối tình cảm thiêng liêng, tạo nên sự gắn bó mật thiết, để nương tựa giúp đỡ cho nhau cùng tiến bộ, cùng nhau tâm tình chia sẻ những nỗi niềm khi vui cũng như khi buồn, giúp nhau để vượt qua những lúc hiểm nghèo, khó khăn, hoạn nạn… 

 b. Câu nói của Bôvi là nhằm lên án, phê phán bản chất của những kẻ cơ hội, đó không phải là tình bạn chân chính, mà là những con người dựa trên danh nghĩa tình bạn để lợi dụng cho cá nhân một cách thấp hèn, ích kỉ, không có nhân cách. Qua đó vừa cảnh báo về cách chọn bạn để sống, vừa nhắn nhủ với người đời hiểu đúng về tình bạn và sống với bạn cho ra nhân cách con người.

(Khi liên hệ mở rộng, học sinh cũng có thể đưa ra ví dụ như những người trước đây đang có quyền chức thì bao nhiêu người xum xoe gần gũi, nhưng khi về nghỉ hưu – cái ánh nắng sáng lên quyền lực ấy không còn thì chẳng mấy kẻ đến thăm, … đều được chấp)

III/Kết bài :

-         Tóm lược nội dung….

-         Bài học cho việc xây dựng tình bạn chân chính.

   

ĐỀ 7: Bersot nói: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim của người mẹ”.

        Ý kiến của anh/chị về câu nói trên?   

ĐỊNH HƯỚNG

            Đề yêu cầu bình luận về một vấn đề đạo lý – đó là tình cảm thiêng liêng nơi trái tim người mẹ. Học sinh có thể cảm nhận và trình bày nhiều cách khác nhau, nhưng yêu cầu phải nêu cho được những ý cơ bản sau:

I/ Mở bài :

   - Bàn về vẻ đẹp của tình mẫu tử, Bersot nói: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim của người mẹ”.

   - Câu nói của Bersot đã ca ngợi và khẳng định tình cảm thiêng liêng trong trái tim của người mẹ dành cho con trong cuộc đời.

II/ Thân bài :  

1. Giai thích nội dung câu nói của Bersot:  

    - Hiểu nghĩa của kỳ quan (có thể là một công trình kiến trúc hoặc cảnh vật) đẹp đến mức kỳ diệu hiếm thấy.

    - Bersot nói: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan” có nghĩa cái đẹp đến mức kỳ diệu hiếm thấy (ở những công trình kiến trúc hay cảnh vật tự nhiên) là không ít, nhưng kỳ quan tuyệt hảo nhất là trái tim người mẹ.

à Nội dung chính của câu trên là nhằm nói về trái tim người mẹ:kỳ quan tuyệt hảo nhất.

 2. Phân tích , chứng minh để thấy được vẻ đẹp tuyệt hảo và thiêng liêng của tình mẹ:  Trái tim người mẹ ở đây là tình cảm của mẹ dành cho con. Đó là tình yêu thiêng liêng nhất không gì có thể sánh được (học sinh có thể liên hệ với thực tế để nói về đức hi sinh của mẹ suốt đời cho con).

        - Mang nặng đẻ đau…

        - Chăm nuôi con khôn lớn…

        - Gần gũi chia sẻ những buồn vui với con …

        - Lo lắng, dõi theo con từng bước trong cuộc đời..

à Hy sinh cho con tất  cả mà không hề tính toán

3.Bình luận :

    - Trong thực tế , người mẹ nào cũng luôn yêu thương con mình.Bởi lẽ, những đứa con chính là món quà vô giá mà Thượng đế ban tặng cho họ.Nhưng không phải người con nào cũng hiểu được sự thiêng liêng vô giá từ tình thương của mẹ .

 - Tuy nhiên, trong thực tế cũng có những bà mẹ bỏ rơi con cái của mình từ khi mới sinh ra, hoặc vì một ham muốn tầm thường, thấp kém nào đó mà lợi dụng con cái của mình – nhưng đó là hiện tượng cá biệt cần phê phán.  

 - Câu nói của Bersot là lời khẳng định và ngợi ca, tôn vinh sự cao đẹp của tình mẹ. Thức tỉnh những người làm con nào còn vô tâm, bất hiếu với bậc sinh thành ra mình…  

 III/ Kết bài :

             - Đây là một câu nói hay, sâu sắc và ý nghĩa…về đạo lý ở đời của tất cả những ai là con trên thế gian này với người mẹ của mình.

- Chúng ta cần phải có những suy nghĩ, tình cảm, trách nhiệm đúng mực của mình để đáp lại tình cảm thiêng liêng của mẹ đã dành cho con.

   

Tin liên quan


Lịch học

Tin tức nổi bật

THỐNG KÊ
Tổng truy cập
1301844
Trong tháng
001994
Trong tuần
656379
Trong ngày
000958
Trực tuyến
000012
liên hệ ngay

" PICEN – HỘI TỤ TINH HOA, LAN TỎA TRI THỨC "

Zalo
favebook
0901.787.066