'Chiến thuật' học và thi trắc nghiệm

20/10/2016
Để học giỏi môn Vật lý trong nhà trường, bạn cần có phương pháp học tập sao cho khoa học, hợp lý.

Trước hàng loạt thông tin quảng cáo không được kiểm chứng trên mạng cũng như từ các trung tâm luyện thi về “mẹo” thi trắc nghiệm, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm chia sẻ với thí sinh (TS) cách để học và thi trắc nghiệm đạt hiệu quả cao.
Đọc kỹ lời dẫn ngay trong lần đầu tiên
So với đề tự luận, hình thức thi trắc nghiệm có số lượng câu hỏi nhiều hơn nhưng thời gian làm bài ngắn hơn. Do vậy, điều quan trọng nhất để làm tốt bài thi trắc nghiệm là phân bố thời gian hợp lý.
Theo tiến sĩ Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm khảo thí và kiểm định chất lượng ĐH Quốc gia Hà Nội, trong kỹ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm, lời dẫn bao giờ cũng nêu đầy đủ thông tin, ý nghĩa của vấn đề. Vì vậy, TS phải đọc rất kỹ lời dẫn ngay lần đầu tiên để không mất thêm thời gian đọc lại lần 2, thay vào đó dành khoảng thời gian này cho việc tư duy tính toán đáp án. Tùy môn thi và nội dung câu hỏi, TS đọc trước lời dẫn hoặc câu hỏi. Chẳng hạn với bài đọc hiểu tiếng Anh, việc đọc trước câu hỏi để xác định nội dung cần tìm trong bài đọc sẽ giúp xác định nhanh hơn câu trả lời.
Theo tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, không nhất thiết phải thực hiện bài thi tuần tự từ trên xuống dưới. Thay vào đó, TS dành thời gian “lấy điểm” triệt để ở những câu dễ. Do vậy, khi bắt tay giải một đề trắc nghiệm, TS phải đọc nhanh và giải quyết trước những câu hỏi dạng nhận biết. Kế tiếp, ở lượt đọc thứ 2, TS trả lời các câu hỏi dạng thông hiểu rồi đến nâng cao. Ở dạng câu hỏi dễ, thời gian làm bài mỗi câu không quá 30 giây và không quá 5 phút cho mỗi câu khó. “TS cần chú ý những chi tiết, dù nhỏ nhất, để tiết kiệm thời gian. Chẳng hạn, sau khi hoàn thành từng câu, TS cần đánh dấu ngay vào đề thi để không mất thời gian đọc lại ở lần tiếp theo”, tiến sĩ Đèo chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM), thì cho rằng cần có cách làm bài khác nhau cho từng trình độ TS để đạt điểm tối ưu. Với môn lịch sử, theo đề thi minh họa thì có 10 câu ở mức độ nhận biết có thể làm trong 5 phút, 10 câu mức độ hiểu trong 10 phút và dành khoảng 20 - 25 phút cho 20 câu vận dụng còn lại. Tuy nhiên, đây là cách làm dành cho TS giỏi. Với TS trung bình và khá nên tập trung thời gian nhiều hơn cho các câu hiểu biết, tránh mất thời gian cho câu vận dụng cao. TS trung bình và yếu nên tập trung thời gian cho các câu nhận biết. “Trong 5 phút cuối giờ vẫn chưa hoàn tất bài làm, TS vẫn nên chọn vào đáp án còn nghi ngờ dù chưa chắc chắn để có cơ hội đạt điểm cao hơn là bỏ trống”, thạc sĩ Vy khuyên.
Tiến sĩ Sái Công Hồng cũng cho rằng TS hạn chế tối đa việc dùng “mẹo” hoặc bấm máy tính khi làm bài hoặc sử dụng đáp án ngược để tìm ra kết quả. Thay vào đó, nên làm bài theo trình tự của tư duy xuôi. “Nếu không có kiến thức mà sử dụng “mẹo” thì khả năng trật rất cao”, ông Hùng nhấn mạnh. Lý giải điều này, tiến sĩ Hồng cho biết một câu hỏi chuẩn được đưa vào đề thi đã trải qua các giai đoạn thử nghiệm thực tế trên nhiều TS trước đó. Nếu đáp án nhiễu (đáp án sai - NV) không đạt 6% người trả lời thì sẽ được xếp vào dạng đáp án “lộ” và được điều chỉnh ngay. Vì vậy, TS không nên quá kỳ vọng vào việc sử dụng “mẹo” trong đánh đáp án.
Chọn dụng cụ để tiết kiệm thời gian làm bài
Theo thạc sĩ Nguyễn Kim Tường Vy, việc chuẩn bị tốt dụng cụ cũng giúp tiết kiệm đáng kể thời gian khi làm bài thi trắc nghiệm. Nhiều TS quen dùng bút chì lõi kim nhỏ nét nhưng loại này rất bất tiện do phải thực hiện động tác tô nhiều lần. Tốt nhất nên sử dụng bút chì 2B vỏ gỗ, lõi chì to sẽ giúp tô nhanh hơn.
TS cũng không nên sử dụng gôm (tẩy) cùng bút chì vì sẽ mất thêm nhiều giây để thực hiện động tác quay đầu bút hơn việc sử dụng độc lập bút và gôm. Hơn nữa, đầu gôm trên bút chì nhỏ, khi bôi dễ bị lem bẩn và không sạch.
TS nên chuẩn bị 2 bút chì và 2 gôm kèm theo gọt bút chì để dùng cho mỗi buổi thi. Tránh gọt bút chì quá nhọn sẽ khó tô và gọt sẵn mỗi cây bút 2 đầu.
Cần nắm vững kiến thức trước khi rèn luyện kỹ năng
Tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn cho rằng việc chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm chỉ thay đổi hình thức kiểm tra chứ không thay đổi về nội dung thi. Muốn đạt điểm cao thì căn bản vẫn là nắm vững kiến thức trước khi rèn luyện thêm kỹ năng để thao tác làm bài nhanh hơn.
Nếu với đề tự luận trước đây, TS chú trọng vào một số chương với kiến thức nhất định, thì nay phải nắm vững kiến thức lớp 12 trong sách giáo khoa, kể cả phần đơn giản nhất như định nghĩa, khái niệm. TS thường xuyên luyện tập các câu hỏi trắc nghiệm liên quan từng chương trong chương trình học.
Riêng với phần bài tập nâng cao trong đề trắc nghiệm môn toán, tiến sĩ Sơn cho rằng để có thể chọn được đáp án đúng, TS vẫn phải trải qua các bước giải tự luận nhưng rút ngắn bước giải bằng cách bỏ phần chứng minh và sử dụng sự trợ giúp từ máy tính để thao tác nhanh chóng hơn. Tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo bổ sung, TS không nên giải chi tiết từng câu như ở bài thi tự luận mà phải tư duy nhanh chóng kết hợp với việc phân tích, dự đoán để loại các phương án nhiễu của câu hỏi.

Hà Ánh

Tin liên quan


Lịch học

Tin tức nổi bật

THỐNG KÊ
Tổng truy cập
1301846
Trong tháng
001996
Trong tuần
656381
Trong ngày
000960
Trực tuyến
000009
liên hệ ngay

" PICEN – HỘI TỤ TINH HOA, LAN TỎA TRI THỨC "

Zalo
favebook
0901.787.066