Ngày 3/1, sau một tiếng rưỡi trao đổi, thảo luận về việc sách Công nghệ Giáo dục bị hội đồng thẩm định loại, Bộ GD&ĐT và GS Hồ Ngọc Đại, PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào không đạt được tiếng nói chung.
Kết luận tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ sẽ ghi nhận, tổng hợp ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào để báo cáo Chính phủ.
Tuy nhiên, về phía mình, Bộ GD&ĐT không thể thẩm định SGK công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại khác với công thức, quy trình so với các SGK khác.
Thứ trưởng Độ cho biết, rất mong muốn đưa cuốn sách của GS Hồ Ngọc Đại vào giảng dạy trong các nhà trường bởi bản chất của chương trình mới là một chương trình, nhiều bộ sách.
Do đó, Thứ trưởng Độ khuyến nghị tác giả bộ sách Công nghệ Giáo dục điều chỉnh cho phù hợp chương trình mới. Nếu không kịp sử dụng năm nay, sách có thể đến với các trường vào năm sau.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định không thể linh hoạt hay có ngoại lệ cho sách của GS Hồ Ngọc Đại để đảm bảo công bằng cho các bộ SGK khác.
Thứ trưởng cho hay, chương trình sách công nghệ giáo dục đã triển khai năm 2017 nhằm thể nghiệm một phương pháp dạy tiếng Việt lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Năm 2018, tiếp tục cho triển khai cho đến khi có chương trình phổ thông mới.
Liên quan đến thẩm định, việc lựa chọn người tham gia hội đồng này, đều là những người nghiêm túc, trách nhiệm.
Hội đồng làm việc với tinh thần muốn góp ý để có SGK tốt nhất cho học sinh. Bộ đã quán triệt tới các thành viên hội đồng thẩm định tinh thần tạo điều kiện thuận lợi và công bằng nhất cho các nhóm tác giả, theo đúng Thông tư 33.
Về hai câu hỏi mà PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào đặt ra: Nên xem thẩm định SGK chỉ là giai đoạn 1, sau đó thực nghiệm, triển khai; Thứ hai, cần có cách thẩm định khác đối với SGK công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại, Thứ trưởng Độ cho biết, Bộ thực hiện theo Nghi quyết của Quốc hội.
Quốc hội giao một chương trình thống nhất thì có một chương trình thống nhất. Giao thực hiện xã hội hóa SGK thì mỗi một môn học có từ một hoặc một số sách.
Trong Nghị quyết 88 của Quốc hội nêu rõ, phải thực hiện công bằng trong thẩm định SGK nên Bộ đã ban hành Thông tư 33 đưa ra tiêu chuẩn, quy trình, các điều khoản tiêu chí cụ thể, rõ ràng.
Trước ý kiến cho rằng, nên coi việc thẩm định là bước 1 sau đó cho thực nghiệm, triển khai.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Độ, thực hiện theo Nghị quyết 88 Quốc hội đó là biên soạn, thẩm định phải đảm bảo sự công bằng cho tất cả các cuốn sách.
Cho nên, khi triển khai lớp 1 tất cả các cuốn sách đều đã thực nghiệm. Hồ sơ đề nghị Bộ thẩm định đã có thực nghiệm rồi. Thực nghiệm khi đang là ý tưởng.
“Đề xuất của thầy Hào về 2 nội dung khó thực hiện. Tại buổi đối thoại này, các tác giả, chủ tịch hội đồng đều có kiến nghị. Nếu được, thầy Đại điều chỉnh để phù hợp với chương trình mới là điều tốt.
Thực hiện xã hội hoá cần có nhiều bộ sách hay cho xã hội, do đó Bộ rất khuyến khích các thầy thực hiện theo nội dung chương trình phổ thông mới đã ban hành”, Thứ trưởng Độ nói.
Thứ trưởng cũng cho hay: “Chương trình đổi mới lần này thay đổi từ mục tiêu, nội dung phải thay đổi. Tinh thần Bộ ghi nhận ý kiến thầy Hào, thầy Đại và sẽ tổng hợp ý kiến để báo cáo Chính phủ.
Chương trình phổ thông mới đã thay đổi từ mục tiêu thì nội dung cũng thay đổi dẫn đến SGK buộc phải thay đổi. Còn nếu giữ nguyên thì sẽ không đáp ứng được nội dung của chương trình mới”.
Mong muốn tác giả có sự thay đổi, điều chỉnh, có thể thực hiện năm nay hoặc năm sau.
Trước đó, ngày 12/9/2019, Hội đồng thẩm định SGK thông báo 3 bản thảo SGK lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại gồm Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục, Toán Công nghệ Giáo dục và Đạo đức Công nghệ Giáo dục, bị trượt ở vòng đầu tiên.
Ngày 23/9/2019, PGS Nguyễn Kế Hào đại diện cán bộ của Trung tâm Công nghệ Giáo dục, gửi kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Ngày 15/11/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ xem xét lại quy trình thẩm định cũng như chương trình giáo dục thực nghiệm.
Mỹ Hà