(GDVN) - Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng bài thi trắc nghiệm không phải công cụ hữu hiệu nhất để chọn được những thí sinh xuất sắc vào đại học.
Những ngày qua, bức thư gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam của Giáo sư Phùng Hồ Hải - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam thu hút sự chú ý của dư luận.
Trong bức thư này, giáo sư Phùng Hồ Hải lo lắng về mô hình thi trắc nghiệm hoàn toàn môn Toán và những điều Ban chấp hành Hội Toán học Việt Nam khuyến cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo cuối năm 2016 đã thành hiện thực.
Theo Giáo sư Phùng Hồ Hải, mô hình thi trắc nghiệm 100% môn Toán ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia là "hết sức sai lầm và có hại lớn đối với sự nghiệp chấn hưng giáo dục".
Trước thông tin này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đưa ra nhận định, đối với thi trắc nghiệm thì chất lượng của kỳ thi phụ thuộc vào đề thi, còn tự luận chất lượng kỳ thi phụ thuộc năng lực của người chấm.
Do đó, đối với kỳ thi trung học phổ thông quốc gia quy mô học sinh lớn nên hình thức thi trắc nghiệm là hoàn toàn phù hợp.
Ông Khuyến nhấn mạnh, đối với kỳ thi trung học phổ thông quốc gia nếu tổ chức thi tự luận sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, công sức; bài thi do giáo viên chấm có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan, tâm lý của người chấm nên khó đảm bảo công bằng, chính xác, khách quan giữa các bài thi.
Trong khi đó, thi trắc nghiệm khách quan có ưu điểm lớn là khảo sát được số lượng lớn thí sinh, nội dung đánh giá rộng, đặc biệt, với số lượng câu hỏi nhiều nên bao quát được kiến thức của chương trình, hạn chế học tủ, học lệch.
Và bài thi được chấm bằng máy sẽ đảm bảo tính khách quan, độ tin cậy của kết quả thi, giảm chi phí và thời gian chấm thi.
|
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng bài thi trắc nghiệm không phải công cụ hữu hiệu nhất để chọn được những thí sinh xuất sắc vào đại học. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
|
Bên cạnh đó, ông Khuyến cũng cho rằng, mục tiêu của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là đánh giá chuẩn đầu ra kiến thức và kỹ năng cơ bản của học sinh sau 12 năm học từ đó xét công nhận tốt nghiệp và làm cơ sở cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Chính vì vậy, bài thi trắc nghiệm không phải công cụ hữu hiệu nhất để chọn được những thí sinh xuất sắc vào đại học mà kết quả thi trung học phổ thông quốc gia chỉ là nên kênh tham khảo.
Các cơ sở giáo dục đại học để nâng cao chất lượng tuyển sinh thì nên tự đề ra những điều kiện xét tuyển riêng. Có thể tổ chức thêm các bài thi riêng, bài thi năng khiếu, viết bài luận, thi vấn đáp hay phỏng vấn sâu… Tức là, chỉ coi kết quả kỳ thi quốc gia như một vòng sơ khảo, để khoanh vùng thí sinh.
Sau đó, tổ chức thi chung khảo để lọc thí sinh tốt nhất qua những đề thi riêng phù hợp với yêu cầu của trường.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: “Bài thi Toán trắc nghiệm hoàn toàn có thể đánh giá đúng các kỹ năng cơ bản của học sinh trung học phổ thông, nhưng để phân loại và tuyển chọn sinh viên cho các trường đại học thì chưa đủ”.
Trước đó, Phó giáo sư Nguyễn Phương Nga - giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) chia sẻ: “Những kỳ thi đại trà trên thế giới vẫn sử dụng hình thức thi trắc nghiệm môn Toán, do đó không thể nhặt những hiện tượng đơn lẻ trên cả nước để cho rằng chúng ta không thể đưa công nghệ vào kỳ thi quốc gia này.
Bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, khi con người đã cố tình can thiệp vào thì công nghệ có giỏi đến mấy cũng sẽ bị ảnh hưởng”.
Còn việc cho rằng, đề thi Toán khiến tiến sĩ Toán, giáo sư Toán không giải được đề thi trung học phổ thông quốc gia môn Toán do đề thi khó là thiếu logic.
Cô Nga nhấn mạnh: “Tiến sĩ Toán, giáo sư Toán là những người đạt được công trình nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực đó. Nhưng công trình đó có phải về phân tích đề thi hay các hình thức đo lường đánh giá kết quả học tập môn toán bậc trung học phổ thông không. Chắc chắn không.
Do đó mặc dù học hàm, học vị về Toán rất cao nhưng nếu không chuyên sâu đến kỹ năng giải toán phổ thông thì việc họ “không giải nổi đề Toán” là hết sức bình thường.
Được biết, trong bức thư gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào năm ngoái và vừa được Giáo sư Phùng Hồ Hải đăng tải trên trang cá nhân, Giáo sư Hải cho rằng, thi trắc nghiệm tất cả môn sai ở xuất phát điểm.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông lên tới 90% hoặc hơn thế nữa ở đa số vùng miền trên cả nước, do bệnh thành tích. Một kỳ thi mà gần như tất cả học sinh đều đỗ, việc tổ chức hoàn toàn không có ý nghĩa.
Theo Giáo sư Phùng Hồ Hải, những vụ việc tiêu cực vừa qua thêm một lần nữa khẳng định áp dụng máy móc, thiếu cân nhắc, thiếu chuẩn bị các mô hình nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn dẫn tới thất bại. Khó khăn lớn nhất của chúng ta là con người chứ không phải cơ chế.
Ông cho biết, thành công trên nền tảng công nghệ nằm ở hai chữ công khai và kiểm soát. Nhưng việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông vừa qua, mặc dù sử dụng công nghệ, lại đi ngược với nguyên lý này. Toàn bộ quy trình xây dựng đề thi, tổ chức thi, coi thi, chấm thi đều không đáp ứng yếu tố công khai và có kiểm soát (dù về hình thức có vẻ có).
Hệ quả của sự mất kiểm soát, trên nền công nghệ, là sự gian lận có thể thực hiện ở phạm vi chóng mặt. Thay vì sửa điểm cho một số học sinh, người ta sửa cho hàng trăm và mức sửa thực sự là không có giới hạn.
Đáng lưu ý, Viện trưởng Viện Toán học nhận định, tác hại lớn nhất của kỳ thi liên quan mục tiêu thứ hai của nó, là xét tuyển vào đại học. Đối với môn Toán, năng lực đầu vào của sinh viên hiện nay ở mức báo động. Do đối phó kiểu thi tốt nghiệp, các em hoàn toàn không được chuẩn bị kiến thức Toán học căn bản để có thể tiếp thu kiến thức ở bậc đại học. Đó là chưa nói đến chất lượng đề thi không giúp chọn được đúng học sinh năng lực.
Ngoài ra, thời gian học đại học đang bị rút ngắn. Hệ quả là chúng ta sẽ phải cho ra trường những sinh viên "không có mấy chữ trong bụng".
Giáo sư Phùng Hồ Hải cho rằng cần tổ chức các hội thảo để rút kinh nghiệm công tác thi cử và đưa ra biện pháp cho năm tới. Đối với những vấn đề liên quan chuyên môn Toán học, xin hãy lắng nghe những nhà Toán học.
Thùy Linh