Dù chúng ta có lý tưởng thế nào đi chăng nữa thì chất lượng thực của bộ môn Ngữ văn ở các trường phổ thông hiện nay đã và đang xuống dốc.
Tình trạng nhiều em học sinh học xong cấp trung học phổ thông, thậm chí là đại học vẫn còn lúng túng khi viết một cái đơn xin việc.
Trong giao tiếp hàng ngày, nếu chúng ta để ý sẽ gặp rất nhiều những câu thoại cụt ngủn, thiếu chủ ngữ của nhiều người. Cách ứng xử hàng ngày của một số người dù đã trưởng thành cũng đang thiếu đi tính tế nhị và nhân văn.
Giá như học sinh được chú trọng dạy dỗ từ nhỏ, được kèm cặp tốt để rèn luyện câu chữ, được tiếp cận với nhiều những cuốn sách hay...
Và, học sinh gặp được những thầy cô dạy Văn giỏi về chuyên môn và giàu lòng nhân ái thì chắc chắn nhiều người sẽ đỡ hẫng hụt hơn khi đến tuổi trưởng thành.
Việc dạy và học môn Văn ở trường phổ thông đang có nhiều bất cập (Ảnh minh họa: giaoduc.net) |
Nếu chỉ nhìn môn Văn qua điểm số, qua số liệu tổng kết hàng năm thì chúng ta sẽ thấy chẳng có gì phải băn khoăn cả. Bởi, tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh khá môn Văn ở trường nào cũng tương đối cao.
Nhưng, nếu đọc những bài văn của học trò chắc nhiều người sẽ ngỡ ngàng, ngao ngán. Tình trạng học sinh viết sai chính tả, bài văn viết chung chung, viết không có bố cục thì rất nhiều.
Nhiều thầy cô chấm Văn bây giờ quên đi thao tác sửa lỗi chính tả và lỗi diễn đạt của học trò nên những lỗi sai theo hệ thống cứ diễn ra từ năm này sang năm khác.
Chúng tôi không quá đề cao môn học nào nhưng rõ ràng môn Văn trong trường phổ thông là một trong những môn học có thể bồi dưỡng những giá trị về nhân cách, đạo đức cho con người.
Thế nhưng, bây giờ khi đang ngồi trên ghế nhà trường thì nhiều học sinh lại ngao ngán môn Văn nhất. Bởi, nhiều em cho rằng đó là môn học ghi nhiều, thầy cô giảng nhiều nên nghe rất mệt.
Song, nếu chịu khó học tập thì ngoài kiến thức bài học, môn Ngữ văn trong nhà trường sẽ giúp cho con người chúng ta sau này có nhiều nền tảng vững chắc trong giao tiếp, ứng xử và góp phần hình thành nền tảng đạo đức cho con người.
Người học tốt môn Văn sẽ biết giao tiếp khéo léo để khỏi làm mất lòng người khác. Biết ứng xử phù hợp với mọi người xung quanh, biết lấy lòng những người khó tính nhất.
Đặc biệt, khi có nhiều lý lẽ, chúng ta sẽ không thua thiệt trong bất cứ tình huống giao tiếp hay tranh luận nào.
Chưa bao giờ, câu chuyện đạo đức của con người được nhắc nhiều như bây giờ bởi rất nhiều những câu chuyện buồn trong ứng xử và hành động hàng ngày với nhau.
Nhiều người có học vị, học hàm, có địa vị trong xã hội nhưng lại dễ dàng sa ngã vì đồng tiền, vì những cám dỗ của vật chất.
Chưa bao giờ việc chạy chức, chạy việc, chạy luân chuyển lại được báo chí phản ánh nhiều như bây giờ. Và, cũng chưa bao giờ những tệ nạn xã hội lại nở rộ như hiện nay.
Ngay cả trong môi trường giáo dục- nơi được xem là trong sáng, là nơi đào tạo con người, uốn nắn về đạo đức, nhân cách thì cũng có những thầy cô lại là người vi phạm, làm xấu đi hình ảnh của mình trước công luận.
Điều khiến cho học sinh bây giờ ngán ngại học Văn có lẽ chính là một bộ phận thầy cô chưa thuyết phục được học trò yêu thích môn học mà mình đang đảm nhận.
Những cảm xúc trong lòng của một số thầy cô dạy Văn “đang nguội lạnh” thì giảng Văn sẽ trở nên khô cứng, máy móc và áp đặt.
Những tiết học nhạt nhẽo thì làm sao văn chương đi vào được lòng học trò?
Hãy đặt vị trí người thầy vào vị trí học trò trong những tiết học thứ 4, thứ 5 của buổi học, khi mà học sinh đã mệt mỏi mà thầy cô lại cứ đều đều giảng bằng một tâm hồn xơ cứng, áp đặt thì thử hỏi làm sao học sinh không…buồn ngủ và chán ngán đây?
Nỗi buồn cho môn Văn bây giờ là một số thầy cô giáo rất cứng nhắc trong việc chấm bài.
Học sinh làm bài mà không trúng với đáp án của mình ra hoặc không trúng với hướng dẫn chấm của cấp trên là không cho điểm hoặc cho điểm rất thấp càng khiến cho học sinh chán nản.
Một số thầy cô chỉ hướng học sinh làm sao có những kỹ năng để làm bài được điểm cao mà chưa hướng tới được giá trị thẩm mỹ, tính giáo dục trong từng tác phẩm văn chương.
Có những thầy cô hướng học sinh đến những bài văn “đồng phục” để kiểm tra, để đi thi có điểm cao. Thậm chí trong các kỳ thi học sinh giỏi cũng có rất nhiều những bài văn đồng phục.
Đó là tình trạng giáo viên vừa dạy, vừa ra đề, vừa chấm thi trong các kỳ thi học sinh giỏi nên có những bài văn đạt giải cao mà na ná như nhau.
Chính từ thói ích kỷ của một số thầy cô đã phá nát lòng ham muốn học văn của nhiều học trò, của nhiều giáo viên trong giảng dạy.
Mỗi kỳ thi học sinh giỏi chỉ lấy một số ít em đạt gải thì đa phần những người cầm cân nảy mực cố tình đưa học sinh của mình vào những giải cao. Dẫn đến sự chán nản cho nhiều giáo viên và học sinh tham gia ôn luyện.
Song hành với những bất cập ở cơ sở là những đổi mới, chỉ đạo trong giảng dạy, học tập hiện nay của cấp trên có nhiều bất cập.
Môn Văn đang được tích hợp quá nhiều thứ trong mỗi bài học một cách gượng ép, khiên cưỡng.
Có lẽ, văn chương trước hết phải là văn chương, phải hướng con người thẩm thấu được cái đẹp, biết rung động trước cái đẹp.
Biết cảm thông, chia sẻ trước những mảnh đời bất hạnh, biết hướng cái ác, cái xấu trở thành cái tốt hơn.
Người dạy Văn giống như một nghệ sĩ luôn sáng tạo và cháy hết mình thì người học mới thích thú, say mê.
Thế nhưng, nhiều thầy cô không dám hoặc không thể sáng tạo bởi vốn từ, vốn kiến thức có hạn.
Học trò thì nhiều em lười đọc, thờ ơ trong giờ học, phụ huynh thì luôn hướng con mình tới những môn học mà sau này có thể thi vào những trường đại học mà sau này ra trường có vị thế, có thu nhập nhiều hơn.
Cùng với những đổi mới trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá học trò khiến cho môn Văn mất dần vị thế.
Rõ ràng xã hội đang phát triển, kinh tế gia đình đang được cải thiện nhưng nhiều giá trị về đạo đức truyền thống đang mai một dần.
Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân nhưng sự sa sút trong dạy và học Văn ở nhà trường đang bộc lộ nhiều hạn chế.