“Mưa” học bổng
Về Quảng Ngãi nghỉ xuân từ tháng 3 và chưa thể quay lại Mỹ do Covid-19, Đông Hải liên tiếp nhận tin vui khi 21 trường tại Mỹ, Anh, Canada và Singapore chấp nhận hồ sơ nhập học.
Ba trường cho em học bổng toàn phần là Đại học Yale – NUS (Singapore), Georgetown (Mỹ), Toronto (Canada) mỗi trường cấp lần lượt là 6.8, 5.2 và 4.2 tỷ đồng.
Em cũng nhận học bổng bán phần và thư trúng tuyển từ nhiều trường đại học khác như: Vanderbilt, Southern California, New York, Emory, McGill, Washington, King’s College London, Michigan, Tufts, Middlebury, Babson, Claremont McKenna…
“Các trường đại học thường gửi kết quả vào nửa đêm giờ Việt Nam nên khi nhận được kết quả, em cảm thấy rất vui mừng và chỉ muốn hét lên thật to nhưng lại không dám (vì cả nhà đang ngủ)”, Hải kể.
Để đạt được kết quả đáng nể này là một chặng đường dài nam sinh Quảng Ngãi nỗ lực, vượt qua những rào cản, vùng an toàn của bản thân để tiến xa trên con đường chinh phục tri thức.
Giữ cương vị lớp phó học tập suốt 10 năm đi học và từ năm lớp 6 đến nay, Hải luôn là học sinh giỏi toàn diện với điểm trung bình GPA từ 9,5 trở lên.
Riêng tiếng Anh, em đã đạt điểm IELTS 7.5 ngay từ đầu năm lớp 10. Nam sinh còn đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi, OTE, IOE, Violympic cấp khu vực và cấp quốc gia.
Tốt nghiệp cấp 2, Đông Hải thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi). Sau 1 năm học, Hải xuất sắc vượt qua nhiều thí sinh đến từ 30 nước giành học bổng toàn phần Ivy Scholarship (bao gồm học phí và sinh hoạt phí trị giá 116.000 USD) sang Mỹ học lớp 11 và 12 tại Học viện CATS Boston (Massachusetts, Mỹ) - thành viên Tập đoàn giáo dục Cambridge, Vương quốc Anh.
Lúc này, Hải cũng nhận học bổng hỗ trợ tài chính trị giá 100% học phí từ trường trung học The MacDuffie School ở Grandby, Massachussets - ngôi trường có bề dày lịch sử hơn 100 năm tuy nhiên em đã lựa chọn CATS Boston - trường trung học uy tín ở Mỹ với 100% học sinh tốt nghiệp lên thẳng đại học, 89% được nhận vào đại học hàng đầu.
Khi đến Mỹ du học, em bắt gặp muôn vàn khó khăn từ sự khác biệt về văn hóa cho đến những sinh hoạt nhỏ hàng ngày, nhưng cái sốc đầu tiên chính là thời tiết.
“Vốn quen với thời tiết nắng nóng tại Quảng Ngãi, ngay khi vừa đáp máy bay xuống Boston, em đã bị sốc nhiệt vì Boston đã lạnh đến 5 độ C mặc dù đang là mùa thu. Bữa ăn đầu tiên tại trường thật sự là “kinh khủng”, toàn những món mà em không ăn được.
Mặc dù ở Việt Nam em rất thích các món Tây nhưng khi thật sự phải trải nghiệm đồ ăn bên Mỹ thì bữa tối đầu tiên ấy em không ăn được gì, cũng may là có mấy món đồ khô mà mẹ cho mang theo”, Hải chia sẻ.
Mùa đông Boston có những ngày xuống âm 30 độ C khiến Hải liên tục ốm, cô đơn ở đất khách nhưng chàng trai giàu hoài bão không từ bỏ, em quyết tâm cao hơn để theo kịp bạn bè.
Đông Hải cảm thấy mình khá may mắn khi ngôi trường em đang theo học có các bạn đến từ hơn 30 quốc gia. Chính sự đa dạng văn hóa này đã giúp em dễ dàng hòa nhập vào môi trường mới.
Không chỉ phấn đấu về mặt học thuật và duy trì điểm GPA 3.9/4.0 và SAT 1520/1600 (Toán 800/800), nam sinh Việt đã tích cực tham gia vào cộng đồng sinh viên và giữ nhiều chức vụ lãnh đạo tại trường như Chủ tịch và Sáng lập CLB Kinh tế, Biên tập viên tờ báo của trường, Đại sứ Sinh viên, Thư ký Câu lạc bộ Mô phỏng Liên Hợp Quốc và được bầu giữ chức Giám đốc Tài chính của Hội học sinh.
Ra thế giới và đóng góp trở về quê hương
Khi học phổ thông tại Mỹ, Đông Hải giành Giải “Đại biểu Xuất sắc” tại Hội nghị Mô phỏng Liên Hiệp Quốc của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Nam sinh Quảng Ngãi hai lần được mời làm diễn giả tại Diễn đàn TEDxYouth, thu hút hàng chục ngàn lượt xem và được phiên dịch ra hơn 5 thứ tiếng.
Em tham gia sáng kiến khoa học “L3 Innovation Challenge” tại Trung tâm nghiên cứu LabCentral (thuộc Viện Công nghệ Massachusetts) và thiết kế một thiết bị đeo thông minh bằng công nghệ in 3D dành cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.
Ý tưởng của nhóm em lọt vào vòng chung kết của cuộc thi và được Tiến sĩ Kate Donovan, Giám đốc Công nghệ của Bệnh viện Nhi Boston đánh giá là có nghiên cứu hay nhất.
Là một học sinh tỉnh lẻ chưa từng nghe đến khái niệm mô phỏng Liên hiệp Quốc (Model United Nations) em cảm thấy thích thú xen lẫn bỡ ngỡ khi lần đầu tiên tham gia một hội nghị mô phỏng tại Mỹ.
Vì là lần đầu tiên nên nhiều bạn cũng khuyên Đông Hải chỉ nên tham dự dưới tư cách quan sát viên (observer) nhưng em lại mạnh dạn đăng ký làm đại biểu (delegate).
“Em vẫn còn nhớ rất rõ không khí của phòng họp hôm ấy khi em đứng lên tranh luận tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về vấn đề quyền phụ nữ tại Afghanistan.
Kể từ hôm ấy em thật sự đã bị “nghiện” hoạt động này và tranh thủ sắp xếp thời gian cuối tuần để tham gia nhiều Hội nghị Model United Nations của các trường Đại học tại Mỹ”.
Đông Hải luôn tìm cách để đóng góp những kinh nghiệm của mình cho quê hương. Hè năm vừa rồi và năm nay, Đông Hải giúp tổ chức Hội nghị Mô phỏng Liên Hiệp Quốc tại thành phố Đà Nẵng (DYMUN) trên vai trò Chủ tọa (Chairman).
Từng tham gia nhiều hội nghị Model United Nations tại Mỹ, em mong muốn đem đến cho các bạn học sinh tại Việt Nam cơ hội tham gia một sân chơi học thuật đầy thú vị để phát triển tư duy phản biện và nhận thức về các vấn đề quốc tế.
Cũng vào năm 2019, trên cương vị Giám đốc Điều hành của GAEE, em đã phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi để tổ chức hội thảo “Giáo dục trong thời đại công nghiệp 4.0”.
Trong thời gian về nước do dịch Covid-19 hiện nay, ngoài việc học online tại nhà, em cũng tham gia các dự án tình nguyện phòng chống dịch của Đoàn Thanh niên địa phương và kêu gọi đóng góp được hơn nửa tấn gạo cho dự án ATM Gạo Tình thương tại Quảng Ngãi.
Hải cho hay, các trường đại học quốc tế thường xét tuyển theo hướng đánh giá toàn diện năng lực học sinh (holistic admission) thay vì chỉ dựa vào điểm của các bài thi chuẩn hóa.
Ngoài việc duy trì điểm trung bình môn GPA và đạt điểm SAT cao, ứng viên cần phải nộp hàng loạt bài luận, thư giới thiệu từ thầy cô và bản tường trình các hoạt động ngoại khóa cũng như trải qua các vòng phỏng vấn.
Nếu như chỉ cắm cúi chú trọng vào việc học, dù có đạt điểm tuyệt đối trong các bài thi chuẩn hóa vẫn chưa thể lọt vào “mắt xanh” của các đại học này.
Ngoài bài luận chính mang tính cá nhân, nhiều trường tại Mỹ còn yêu cầu thêm một số bài luận riêng để đánh giá về khả năng hiểu biết của ứng viên đối với nhà trường và chuyên ngành đã chọn cũng như các giá trị mà họ đang tìm kiếm.
Ví dụ như bài luận cho Đại học Vanderbilt (Top 15 tại Mỹ theo US News & World Report), em viết về Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Bác Sáu Dân), một trong những người lĩnh xướng công cuộc Đổi mới Kinh tế tại Việt Nam những năm 1986.
“Bác Sáu Dân và những người cộng sự đã truyền cho em sự đam mê đối với kinh tế học”, Hải chia sẻ. Em cho rằng bài viết trên là một yếu tố quan trọng trong bộ hồ sơ để em được nhận vào ngôi trường có tỉ lệ trúng tuyển chỉ 9% này.
Tiến sĩ Văn học Mazen El Makkouk, thầy giáo môn Văn học Anh tại Học viện CATS Boston viết nhận xét về Đông Hải trong thư giới thiệu như sau: “Sự nhiệt tình và nghiêm túc mà Hải dành cho việc học là điều chưa từng có trong suốt thời gian tôi dạy môn này.
Bằng sự thông thái, tự tin và trí tưởng tượng ấn tượng, cậu ấy đã khám phá mối liên hệ giữa văn học và đời sống. Tôi đã bị ấn tượng bởi sự nhiệt tình và ham học, bởi chất lượng công việc, và bởi sự trưởng thành và phạm vi suy nghĩ của cậu ấy”.
“Hải đã đóng vai trò là người cố vấn cho một số bạn cùng lớp. Những lời giải thích rõ ràng của cậu ấy, được đưa ra thường xuyên và hào phóng, khả năng hợp tác bền vững của Hải trong công việc nhóm, đã giúp các bạn cùng lớp thành công trong lớp học của tôi và giúp cả lớp có thể tiếp tục làm việc ở cấp độ cao hơn.
Tôi tin rằng Hải sẽ là một học giả, nhà lãnh đạo sinh viên xuất sắc và tôi hết lòng giới thiệu anh ấy”, vị tiến sĩ người Mỹ đánh giá.
Một trong những người trẻ tuổi nhất trở thành Ủy viên của Hiệp hội Hoàng gia RSA
Năm 2019, Hải đạt Giải “Khen thưởng cao” (top 2%) tại Cuộc thi Nhà kinh tế trẻ do Hội đồng Kinh tế Hoàng gia Anh và Financial Times tổ chức.
Vốn là một người say mê với kinh tế học và các vấn đề quốc tế, ngay từ bậc trung học em đã đồng sáng lập và lãnh đạo tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục kinh tế là GAEE (Global Association of Economics Education).
Dưới sự lãnh đạo của chàng trai Việt, GAEE được Bộ Ngân khố Mỹ chứng nhận là tổ chức phi lợi nhuận, được Liên Hợp Quốc, Google, Amazon, World Economics Association, AIESEC hỗ trợ và hợp tác. Từ một dự án chỉ hơn chục thành viên, đến nay mạng lưới đã có hơn 1.000 người tại 8 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Những đóng góp của nam sinh trong lĩnh vực giáo dục kinh tế nhận được sự chú ý của Hoàng gia Vương Quốc Anh. Tháng 8 năm ngoái, Hải khiến dư luận tại Anh và Mỹ bất ngờ khi trở thành một trong những người trẻ tuổi nhất được bầu giữ chức vụ Ủy viên (Fellow) của Hiệp hội Hoàng gia RSA.
Đây là chức vụ từng được giữ bởi nhiều nhân vật như Nelson Mandela, Stephen Hawking, Charles Dickens, Karl Marx, Marie Curie…
Chàng trai trẻ có các nghiên cứu kinh tế thắng giải Nhà Kinh tế trẻ của năm và được một NXB tại Đức đăng tải trên cả sách in và sách điện tử Amazon. Vì vậy em sẽ chọn học chuyên ngành kinh tế ở bậc Đại học, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế quốc tế.
Thời gian tới, Đông Hải mong có thể mở rộng quy mô của tổ chức GAEE tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và tìm kiếm thế hệ nối tiếp để thay em tiếp tục phát triển dự án. Phía trước là cả một chặng đường dài, nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, chàng trai Quảng Ngãi giàu khát vọng, hoài bão cảm thấy rất hào hứng và mong đợi.
Khi được hỏi ai là người truyền cảm hứng cho em trong cuộc sống và học tập, Hải cho hay, em thật sự ngưỡng mộ nhà bác học Marie Curie, người hai lần nhận giải Nobel và cũng từng là một Ủy viên của Hiệp hội Hoàng gia RSA.
“Tấm gương vượt khó của nữ bác học vươn lên từ vùng quê nghèo Ba Lan và sự tập trung cao độ của bà dành cho công việc là một hình mẫu mà em noi theo.
Đồng thời Marie Curie là người đã truyền cảm hứng cho em để trở thành một Ủy viên của Hiệp hội Hoàng gia RSA”, chàng trai Việt chia sẻ.
Lệ Thu