Theo đó, Bộ GD&ĐT dự kiến công bố sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới vào giữa tháng 11 tới.
Trao đổi với báo chí, ông Tài cho hay, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận từ Hội đồng thẩm định các bản thảo SGK được đánh giá đạt, đầy đủ cho các môn học lớp 1.
Tuy nhiên, do SGK là tài liệu mang tính pháp lý cao, liên quan nhiều luật như Luật Giáo dục, Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ... cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác, bộ cần thêm thời gian để rà soát lại trước khi trình Bộ trưởng xem xét phê duyệt.
Trước đó, Bộ GD&ĐT dự kiến công bố SGK lớp 1 cho chương trình phổ thông mới sẽ diễn ra vào cuối tháng 10.
Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận các bản mẫu SGK từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định, gồm Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, NXB ĐH Sư phạm và NXB ĐH Sư phạm TP HCM.
Sau 2 vòng thẩm định, có 38/49 ở tất cả 9 môn học, bản thảo SGK của một số môn học/hoạt động giáo dục được các hội đồng thẩm định đánh giá là “đạt” và đề nghị Bộ trưởng xem xét phê duyệt.
Có 11/49 ở 6 môn học bản thảo SGK của một số môn học/hoạt động giáo dục ở mức đánh giá “không đạt”.
Cụ thể: môn tiếng Việt: 1/6 bản thảo, toán: 1/6 bản thảo, giáo dục thể chất: 3/4 bản thảo, hoạt động trải nghiệm: 3/6 bản thảo, tự nhiên - xã hội: 2/5 bản thảo, đạo đức: 1/6 bản thảo.
Có những bản thảo dù vòng 1 đã yêu cầu sửa chữa để thẩm định vòng 2 nhưng sau thẩm định vòng 2 vẫn đánh giá không đạt.
Hầu hết các bản thảo không đạt do không đáp ứng được quy định chương trình môn học theo Thông tư số 32 về chương trình giáo dục phổ thông mới chứ không phải do tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định Thông tư số 33//2017/TT-BGDĐT về quy trình biên soạn SGK.
Ví dụ, đối với Hoạt động trải nghiệm có tác giả thiết kế 2 tập, có tác giả thiết kế 1 tập. Nhưng chương trình quy định 105 tiết/năm học mà tác giả thiết kế 70 tiết thì dù sách có hay thế nào cũng không đáp ứng mục tiêu chương trình.