Từ 3 châu lục khác nhau, 4 trí thức trẻ này cùng tề tựu cùng với hơn 200 đại biểu trở về từ khắp nơi trên thế giới để trao đổi, thảo luận và đưa ra các đề xuất vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Họ đều là những đại biểu tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 26 tới 28/11.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Long (hiện đang là Quản lý dự án tại Tractebel Engineering S.A., Pháp) đề xuất đề án “Quy hoạch tổng thể cho các thành phố, đô thị ở Việt Nam theo mô hình phát triển bền vững".
Đây là một quy hoạch hiểu theo nghĩa rộng, bao hàm cả hạ tầng và kinh tế xã hội và môi trường của các đô thị; nhằm biến các đô thị thành một hệ thống vận hành các chủ đề, lĩnh vực liên quan, tương tác với nhau tối ưu nhất, phù hợp với xu hướng phát triển của Việt Nam đặt trong xu hướng phát triển chung của thế giới.
Điểm mới của đề xuất này là áp dụng công cụ 360 độ city scan do đơn vị của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Long nghiên cứu và đã triển khai tại hơn 50 thành phố trên thế giới.
Qua công cụ này, chúng ta có thể nhìn và đánh giá được tất cả các lĩnh vực của một thành phố trên cùng một biểu đồ, từ đó thấu hiểu được tiềm năng và lập quy hoạch phát triển cho thành phố.
Anh Nguyễn Tiến Long đã trình bày đề án này trước các đại biểu của Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu và anh bày tỏ: “Diễn đàn này đã diễn ra một cách trùng khớp với kỳ vọng của tôi đó là việc kết nối giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước để tạo thành một mạng lưới và để qua đó trao đổi, hợp tác cùng giải quyết những bài toán chung.
Bởi khi giải quyết những bài toán ở Việt Nam, chúng tôi cần sự hiểu biết, những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước để cùng đưa ra những giải pháp tốt nhất cho đất nước.
Tôi mong rằng các Diễn đàn sau chúng ta có thể giới thiệu được kết quả từ những sự kết nối này”.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Duy Duy (ĐH Sydney, Úc) chia sẻ nghiên cứu mà anh đang thực hiện về sử dụng phương pháp số và kỹ thuật CFD để cải thiện mô hình dòng chảy, từ đó cải thiện mô hình nước để ứng biến kịp thời với biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề khô hạn ở các sông hồ và vấn đề xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau khi tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, anh Nguyễn Duy Duy cho biết: “Về Việt Nam dự Diễn đàn Trí thức trẻ, tôi có 3 mục tiêu.
Trước hết, tôi mong muốn được học hỏi từ tất cả các nhà khoa học Việt trên khắp thế giới, tiếp đó là kết nối bạn bè, sau cùng là hợp tác để thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ của chúng tôi.
Sau các phiên thảo luận, chúng tôi đã trở thành những người bạn và cộng sự. Một số dự án mới, ý tưởng mới đã được thảo luận để triển khai.
Tôi cảm thấy được thôi thúc để tham gia vào chương trình năm sau để cùng hướng về chủ đề “Việt Nam 2045”. Đó là phát triển bền vững dài và rộng.
Mong rằng Đảng, Nhà nước sẽ cùng đồng hành với các nhà khoa học trẻ, giúp đỡ về vốn, nhân lực để phát triển các ý tưởng thành thực tế".
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Huyền (Đại học Nghiên cứu quốc gia ITMO St.Petersburg, Nga) mong muốn tăng cường “Phát triển giáo dục khởi nghiệp tại Việt Nam”.
Thông qua trải nghiệm của chính chị Thanh Huyền khi còn ở cương vị giảng viên của Đại học Đà Nẵng, chị đã dẫn dắt và chứng kiến sinh viên còn nhiều khó khăn trong việc khởi nghiệp.
Chính vì vậy chị tin rằng giáo dục khởi nghiệp có tác động tích cực đến hiệu quả và sự thành công của hoạt động khởi nghiệp. Sinh viên cần có nền tảng tâm lý vững, kĩ năng cảm xúc tốt, thái độ nghiêm túc để kiên trì theo đuổi lựa chọn khởi nghiệp của mình. Coi khởi nghiệp thực sự là một lựa chọn nghề nghiệp.
Như vậy số lượng cũng như chất lượng của khởi nghiệp được nâng cao.
Bên cạnh đó, dù không trở thành doanh nhân, không tạo ra doanh nghiệp mới. Nhưng sinh viên có thể phát triển tư duy nhận thức tốt để nắm bắt cơ hội, làm việc hiệu quả.
Chị Thanh Huyền kỳ vọng rằng sẽ kết nối được với nhiều trí thức trẻ ở mọi nơi để chia sẻ, tìm hiểu thông tin về lĩnh vực nghiên cứu. Chị Huyền cũng mong rằng dưới góc nhìn của những người trẻ, năng động, hội nhập, tiếp thu những tiền bộ trên thế giới sẽ mang lại những đóng góp, kiến nghị có giá trị, hiệu quả về mặt chính sách cho đất nước.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Sao Ly (Đại học Johns Hopkins, Mỹ) muốn áp dụng chương trình giáo dục mang tên SARE nhằm kích phát tiềm năng của học sinh thông qua thực nghiệm nghiên cứu khoa học. Đây là một chương trình chị Sao Ly đã tham gia thực hiện và thành công ở Baltimore, Mỹ.
Do vậy, chị mong muốn chương trình này sẽ được thực hiện với điều kiện phù hợp tại Việt Nam, để các bạn học sinh có nhiều cơ hội tiếp cận với khoa học đồng thời tăng cường động lực học tập.
Chị Sao Ly chia sẻ tâm tư: “Tôi hy vọng qua Diễn đàn này, tôi sẽ kết nối, trò chuyện và tạo dựng những mối quan hệ với các nhà khoa học khác.
Tôi cũng muốn có cơ hội được thảo luận và đóng góp ý kiến của mình với các đại biểu khác. Qua đó, ý kiến và suy nghĩ của mình về những đề tài khác nhau sẽ được củng cố và hoàn thiện hơn.
Tất cả các đại biểu của diễn đàn này đều là những người tài, những tri thức trẻ. Cơ hội được kết nối và chia sẻ với những đại biểu như thế này rất giá trị”.
Mai Châm