Giáo viên toán Trần Mạnh Tùng, trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội nhấn mạnh như vậy trong bài viết phân tích về việc học sinh lớp 2 phải học xác xuất, thống kê trong chương trình GDPT mới đang thu hút dư luận.
Nhiều nước đã dạy từ tiểu học
Thống kê là khoa học thu thập, phân tích và xử lí số liệu, hướng đến việc đưa ra các quyết định, các đánh giá, các dự báo về những hiện tượng đang được nghiên cứu.
Xác suất là khả năng xảy ra của một sự kiện nào đó.
Theo tôi được biết, mặc dù không có tên gọi chính xác là “xác suất, thống kê” nhưng ở nhiều nước, học sinh đã được học phần này từ tiểu học. Ở Việt Nam, xác suất được dạy ở lớp 11, từ năm 2007 (tức là dành cho các em sinh năm 1991 về sau, các em sinh năm 1990 về trước không được học ở phổ thông).
Những năm gần đây, xác suất thống kê được đề cao hơn vì nó giúp người học có cái nhìn khoa học về một hiện tượng, nó cũng là một phần quan trọng của việc ứng dụng toán học.
Học sinh hiện đã học xác suất, thống kê
Ở lớp 3: Học sinh được làm quen với bảng thống kê số liệu. Ví dụ:
Ở lớp 7: Học sinh biết thu thập số liệu, lập bảng, tính giá trị trung bình, tính tần số,… vẽ biểu đồ,…
Ở lớp 10: Học sinh được học đầy đủ nhất về thống kê. Các em có thể lập được bảng phân bố tần số, tần suất, tính được kỳ vọng, phương sai, độ lệch chuẩn, vẽ được các loại biểu đồ hình cột, hình quạt, đưa ra các phân tích, dự đoán cơ bản.
Ở lớp 11: Học sinh được học các khái niệm cơ bản của xác suất, tính xác suất bằng định nghĩa, biết uy tắc cộng, nhân xác suất.
Như vậy, về mặt thống kê, học sinh lớp 3, 4 hiện hành đã được học.
Xác suất, thống kê được đưa vào lớp 2 ra sao?
Trong chương trình phổ thông mới, thống kê, xác suất là một trong ba trụ cột của môn Toán: Đại số và giải tích, Hình học và đo lường, xác suất, thống kê.
Học sinh được học liên tục từ lớp 2 đến lớp 12 theo vòng tròn đồng tâm, tức là nâng dần về nội dung, mức độ.
Trong chương trình mới, các nội dung về xác suất, thống kê gần như không thay đổi nhưng được học với thời lượng nhiều hơn rất nhiều. Do đó, học sinh có điều kiện thực hành nhiều hơn, dễ tiếp cận hơn.
Hoạt động này hoàn toàn bình thường nhưng do nó được gắn với tên “xác suất, thống kê” nên nhiều người lo lắng, hốt hoảng không cần thiết.
Ở lớp 2: Phần thống kê, học sinh làm quen với việc thu thập, phân loại, kiểm đếm các đối tượng thống kê trong một số tình huống đơn giản. Học sinh nêu được một số nhận xét đơn giản từ biểu đồ tranh (Ví dụ như: có mấy con gà, bên nào nhiều hơn,…).
Phần xác suất, học sinh được làm quenvới các khả năng xảy ra của một sự kiện, qua một thí nghiệm, trò chơi hoặc từ thực tiễn (Ví dụ như: gieo một đồng xu thì có 2 khả năng là sấp và ngửa,…).
Như vậy, với học sinh lớp 2, các yêu cầu của phần này không khó, tương tự các việc hiện nay các em đang làm. Thực chất mới chỉ ở mức độ làm quen, chưa có phân tích, tính toán gì, là phần mở đầu để nâng dần cho các lớp sau mà thôi.
Khó khăn khi thực hiện
Như đã phân tích ở trên, các thầy cô sinh năm 1990 trở về trước không được học về xác suất, thống kê trong chương trình phổ thông. Các thầy cô khác thì cũng lâu rồi không dùng đến phần xác suất, đây là một trở ngại, trong khi chúng ta biết rằng: để dạy một thì phải biết mười.
Để đáp ứng được yêu cầu này, các thầy cô sẽ phải có một qúa trình tập huấn, tự học, tự đào tạo mình để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức.
Ngoài ra, dạy học theo chương trình mới, đòi hỏi giáo viên phải tổ chức lớp học theo các hoạt động để từ đó phát huy năng lực của học sinh, lĩnh hội tri thức mới. Do vậy, yêu cầu giáo viên phải có kiến thức khoa học, thực tiễn sâu sắc, có năng lực tổ chức lớp học.
Thực ra, trong chương trình mới, giáo viên của tất cả các khối lớp đều cần phải được tập huấn cẩn thận (ví dụ như kiến thức tích hợp, liên môn), nội dung xác suất, thống kê chỉ là một phần trong việc đổi mới lần này.
Tôi tin là, các thầy cô nói chung và các thầy cô dạy tiểu học nói riêng đều quyết tâm bồi dưỡng bản thân và đủ năng lực để hoàn thành tốt công việc của mình.
Tôi cũng có con đang và sắp học lớp 2, tôi hoàn toàn tin tưởng và yên tâm vào điều đó.