Sáng thứ bảy, khoảng sân sau của chùa Hương Lan (xã Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội) náo nhiệt nhờ lớp học của cô Hòa. Khác với lớp thông thường, 63 học sinh đều bị khuyết tật trí tuệ bẩm sinh, nhận thức kém.
Thấy Khuê (8 tuổi) loay hoay không viết được chữ "thủ đô", cô Hòa lại gần, cầm tay em tập viết. Giúp Khuê xong, cô qua chỗ Minh (9 tuổi), giảng giúp em bài toán lớp 1. "Xoay đi xoay lại như vậy cũng hết cả buổi sáng", cô Hòa cười nói.
12 năm nay, mỗi sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, lớp học tình thương của cô Hòa (quê Ngọc Hòa, Chương Mỹ) đều đặn diễn ra ở sân chùa. Lớp rộng khoảng 100 m2, một nửa dành cho học sinh chưa biết đọc, một nửa cho các em làm được toán lớp 1. Bàn kê từ thấp đến cao, phù hợp với chiều cao các em.
Ngoài cô Hòa dạy chính còn có 5-6 cô giáo ở địa phương, một số người về hưu cùng hỗ trợ. Nhưng hôm nào các cô giáo bận, một mình cô Hòa chạy đi chạy lại hai đầu lớp, khi các em làm toán thì cô dạy đọc cho những em chưa biết chữ.
Cô Hòa bắt đầu dạy học trẻ em kém may mắn vào năm 1997 sau khi lập gia đình, chuyển về công tác tại trường Tiểu học Đông Sơn (Chương Mỹ). Biết trong làng có nhiều trẻ bị khuyết tật trí tuệ, không được đi học, cô hay rủ các em qua nhà chơi. Căn bếp vỏn vẹn 10 m2 trở thành nơi cô và những đứa trẻ kém may mắn tập hát, chơi nhảy dây và vẽ nên ước mơ được đến trường.
"Lúc nhìn những nét chữ bằng than nguệch ngoạc trên sàn bếp, tôi quyết định sẽ giúp các em biết con chữ", cô Hòa kể.
Cô Nguyễn Thị Hòa tại lớp học tình thương. Ảnh: Thanh Hằng |
Lúc mới mở lớp, cô Hòa có khoảng 9-14 học sinh. Ngoài những em khuyết tật trí tuệ, những học sinh bị ốm, nghỉ học nhiều cũng đến nhờ cô Hòa giúp bổ sung và ôn lại kiến thức đã quên.
Khi nhiều người tìm đến hơn, căn bếp 10 m2 không đủ chỗ cho cô trò, cô Hòa đến chùa Hương Lan xin với sư thầy cho mở lớp học. Được sự đồng ý, cô làm đơn xin các cấp chính quyền cho mình dạy học.
Kể từ ngày 14/9/2007, lớp học tình thương tại chùa đi vào hoạt động vào cuối tuần. Xen lẫn niềm vui và sự hoan hỉ khi giúp nhiều trẻ khuyết tật có nơi học tập, cô Hòa phải đối mặt với những khó khăn mà trước đây chưa từng nghĩ đến.
Nhiều em bệnh nặng, gần như không có nhận thức về thế giới xung quanh. Ngoài việc cắn và đánh cô giáo, các em còn đập phá tượng, đồ của nhà chùa. Những ngày trái gió trở trời, nhiều em đau đầu, gào thét, cắn xé quần áo.
"Tôi ôm các con vào lòng, mặc cho bị cắn vào tay. Trò khóc, cô khóc, đến khi con qua cơn đau mới thôi", cô Hòa kể.
Những bài học của cô đôi khi là dạy các con không còn chảy dãi, biết cầm bút, cầm đũa. Có những em bước vào độ tuổi dậy thì, cơ thể có nhiều thay đổi, cô Hòa phải hướng dẫn các em cách chăm sóc và bảo vệ mình.
Có học trò từng hỏi "Mẹ không đẻ ra con sao mẹ yêu thương con thế?", cô Hòa không trả lời, chỉ biết ôm con.
Hơn 20 năm dạy trẻ, cô Hòa chưa từng soạn một trang giáo án bởi tâm niệm mỗi đứa trẻ sinh ra đều cần phương pháp giáo dục riêng, không thể rập khuôn. "Miệng cái bát là chứ o, đặt cái đũa hướng ngược lên là chữ d, đặt ngược xuống là chữ q..." - bài học từ người mẹ không biết chữ được cô dạy lại cho trẻ.
Kể từ khi lớp tình thương hoạt động, số ngày cô Hòa nghỉ dạy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả khi sinh con vào năm 2012, dù bị nhiễm trùng sau mổ, cô chỉ nghỉ ngơi một tháng rồi quay lại lớp vì lo "vắng mình các con không nghe lời, lớp học sẽ tan rã".
Nhiều người nói cô "đồng bóng", "dở hơi", thậm chí trước khi sinh con, có người còn bảo "dạy những đứa không bình thường thì con đẻ ra cũng như vậy thôi", cô đau lòng nhưng không bận tâm, tập trung giáo dục con cái nên người và dành thời gian bên các học trò của lớp học tình thương.
Cô Hòa dạy học trò đọc và phát âm. Ảnh: Thanh Hằng |
Bà Đặng Thị Lan (Hoài Đức, Hà Nội) đã đưa con gái theo học lớp của cô Hòa đã 6 năm. Con gái bà Lan bị ngạt trong lúc sinh nên chậm phát triển trí tuệ, không thể đi học. Được người quen giới thiệu, bà Lan xin cho con theo học, đều đặn đưa con đến và đợi đón về.
"Từ ngày được cô Hòa giúp đỡ, con tôi biết nhận thức hơn, có thể kể chuyện trên lớp dù nói ngọng. Cháu cũng đã cầm được bút bằng tay phải và tập viết, gia đình mừng lắm", bà Lan nói. Ngày 20/10, bà Lan mua chiếc thiệp để con gái viết những nét nguệch ngoạc, chúc cô giáo mạnh khỏe, hạnh phúc.
Cũng từ lớp học này, nhiều học sinh bị khuyết tật trí tuệ mức nhẹ đã "tốt nghiệp", tìm được một công việc có thu nhập như em Nguyễn Thị Miền, Nguyễn Thị Xuân (xã Thanh Bình, Chương Mỹ)...
Cô Hòa vẫn thường nói "mình sống gần 50 năm thì dành 22 năm dạy các con, tài sản chẳng có gì ngoài tình yêu thương của cô và trò". Những ước mơ trở thành bác sĩ, cô giáo hay chỉ đơn giản là... lấy vợ của những học trò đặc biệt có thể khó thành hiện thực, nhưng cô sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cho các em.
Với những hy sinh và đóng góp của mình, cô Lê Thị Hòa được trao tặng nhiều danh hiệu, như: "Nhà giáo tiêu biểu ngành giáo dục và đào tạo thủ đô dạy học sinh các lớp tình thương, học sinh khuyết tật", "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu của Hà Nội, "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2019...
Thanh Hằng