Năm học 2019-2020, Bếp ăn bán trú của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Đắk Nang, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đi vào hoạt động. Điều đặc biệt, bếp ăn này không phải xây dựng từ ngân sách nhà nước, mà được dựng lên và duy trì nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng mạng. Nơi xây dựng, cũng là mảnh đất rộng hơn 1 sào, do mọi người quyên góp mua tặng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu.
Học sinh bỏ học vì nhà nghèo
Giữa trưa, cô Huỳnh Thị Thùy Dung (giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu) lại tất tả lấy cơm, phục vụ bữa trưa cho gần 200 học trò. Tiếng bát đũa lỉnh kỉnh xen với tiếng học trò xin cơm, xin đồ ăn khiến giọng cô Dung bị át hoàn toàn trong vô vàn tiếng ồn ấy, buộc cô phải dùng đến chiếc loa di động để ổn định trật tự.
Cô Dung là giáo viên dạy Anh văn của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. 9 năm về công tác tại trường thì có 5 năm cô Dung đồng hành cùng học trò nghèo của trường, mang đến cho cả ngàn học sinh ở đây những bữa cơm đầy đủ rau, thịt, cá.
Ít ai biết rằng, bữa ăn dành cho học trò nghèo của cô Dung lại bắt đầu từ một lá thư của cô học trò người H’Mông. Vì nghèo, vì không đủ ăn mà cô bé phải bỏ học giữa chừng, gạt bỏ giấc mơ để cho các em của mình có cơ hội đến trường.
Nhớ lại từng kỷ niệm với cô học trò năm xưa, cô Dung bồi hồi: “Ngày đó tôi mới đi dạy, trong lớp có em Giàng Thị Dó, người dân tộc H'Mông. Dó học rất giỏi, đặc biệt là môn tiếng Anh. Nhưng do nhà nghèo, đông anh em, bố dượng lại rất hà khắc nên em phải bỏ dở chuyện học hành. Trước khi nghỉ học, em viết một lá thư gửi cho các bạn trong lớp và cô giáo chủ nhiệm”.
Sau khi nhận được lá thư ấy, cô Dung quyết tìm đến tận nhà để động viên cô bé đến trường, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của mình. Thế nhưng, dù thuyết phục thế nào, Dó cũng không quay lại trường.
“Em xin lỗi vì đã phụ lòng tin tưởng của cô và mọi người, nhưng em không thể tiếp tục đến trường dù cô có đến 100 lần đi nữa. Em không thể đến trường khi một mình mẹ nhọc nhằn nuôi 6 chị em và việc học của các em bị dang dở", cô Dung nhắc lại lời học trò cũ.
Đến bây giờ, mỗi lần đọc lá thư ấy, cô Dung vẫn không giấu nổi cảm xúc nghẹn ngào, cay cay ở sống mũi. “Nhưng cũng chính lá thư ấy, đã khiến tôi trăn trở một điều, tại sao học trò phải bỏ học vì nhà nghèo, vì không có cơm ăn khi đến trường Tôi phải làm gì đó để giúp các em. Nghèo không phải là cái tội, các em phải thoát nghèo”, cô Dung nhớ lại.
Từ ngày ấy, sau mỗi giờ dạy, cô Dung nán lại trường khoảng 1 tiếng đồng hồ để hiểu hơn cuộc sống của các em. "Phần lớn các em đều là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều em đi học chỉ có nắm cơm nguội đựng trong bịch ni lông ăn kèm với một miếng đường mía hoặc quả cà kho mặn chát. Tôi chụp lại hình ảnh ấy, đưa lên trang Facebook cá nhân, như một lời tâm sự của mình, kêu gọi mọi người giúp đỡ các em. Ban đầu tôi chỉ xin kinh phí để nấu thức ăn cho các em”.
“Tôi từng gục ngã nhưng vì các em, tôi đứng dậy!”
5 năm nhìn lại hành trình “đi xin cơm cho học trò nghèo” của mình, chính cô Dung cũng không ngờ được, mình đã được nhiều mạnh thường quân giúp đỡ đến thế. Ban đầu, chỉ là 1 bữa ăn/tuần, đến nay gần 200 học sinh của trường được ăn 4 bữa/tuần, có nơi ăn chỗ ngủ rộng rãi, thoáng mát và vệ sinh.
Thế nhưng, 5 năm nhìn lại, cô Dung cũng không ngờ rằng, mình mạnh mẽ, kiên cường đến thế. Đã từng gục ngã, từng có ý định buông xuôi trước những lời gièm pha của một số người, đã có lúc bếp ăn gián đoạn vì không đủ kinh phí… thế nhưng, vì lá thư của Dó, vì những miếng cơm đã nhuộm màu bịch ni lông, cô Dung nhẫn nhịn, gạt bỏ cái tôi để tiếp tục con đường của mình.
Nữ giáo viên tâm sự, những ngày đầu, khi bếp ăn chỉ đủ duy trì một bữa/tuần thì không có ai nói gì. Thế nhưng, bếp ăn lớn mạnh, ý nghĩa và giá trị càng ngày càng lan tỏa thì mọi người lại gièm pha, nghĩ cô Dung lợi dụng bếp ăn để tư lợi. Họ nói xấu sau lưng, thế nhưng cô bỏ ngoài tai tất cả.
“Có lần tôi nghe được những lời nói xấu sau lưng, tôi nghẹn ngào mà không dám khóc, vì nếu tôi khóc lúc đấy, họ sẽ nghĩ tôi yếu đuối, tôi sẽ từ bỏ công việc của mình. Đến tận tối về nhà, nằm trằn trọc suy nghĩ, tôi biết mình không làm gì sai. Mình làm đúng lương tâm của một nhà giáo thì mình không sợ gì cả. Tôi làm tất cả vì học trò của tôi, vì những đứa trẻ bất hạnh. Mọi sự đóng góp và chi tiêu, tôi đều công khai cho mọi người biết. Chính những lời nói ác ý ấy đã khiến tôi càng ngày mạnh mẽ hơn”.
Khi những bữa cơm của cô Dung lan tỏa mạnh mẽ, cộng đồng mạng biết đến nhiều hơn thì sự giúp đỡ cũng ngày càng lớn hơn. Có mạnh thường quân không tìm đến trường, chỉ thông qua bài viết và những hình ảnh trên trang cá nhân của cô Dung nhưng vẫn ủng hộ, giúp đỡ vật chất cho các em. “Sự tin tưởng của mọi người mới là điều quan trọng nhất”, cô Dung chia sẻ.
Dương Phong