Các địa phương cấp tập chấm thi THPT quốc gia 2019
30/06/2019
Để đảm bảo tiến độ công bố kết quả thi như kế hoạch, ngay khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2019, các địa phương trên cả nước đều “bắt tay” triển khai ngay công tác chấm thi. Tăng cường công tác ngăn ngừa tiêu cực cao nhất, hoạt động chấm đều được giám sát bằng camera và an ninh gắt gao.
Các trường ĐH tham gia chấm trắc nghiệm
Không chỉ hỗ trợ công tác coi thi tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trường ĐH Công nghệ TP.HCM còn tiếp tục nhận trách nhiệm chấm thi trắc nghiệm cho địa phương này. Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng tuyển sinh và truyền thông của trường cho biết thời gian chấm bắt đầu từ hôm ngày 28/6 và dự kiến kéo dài 1 tuần. Nhà trường phụ trách phần chấm trắc nghiệm gồm 16 người trong đó trưởng ban chấm là TS Bùi Văn Thế Vinh, Phó Hiệu trưởng nhà trường. Ngoài ra còn có 3 cán bộ làm thư ký, 3 giám sát, 9 cán bộ chấm thi. Ngoài ra, trường còn có 3 Thanh tra chấm thi Tự luận gồm 1 thanh tra phách, 2 thanh tra chấm thi cùng Sở GD-ĐT Bà Rìa - Vũng Tàu.
Ông Phương chia sẻ, để ngăn ngừa tiêu cực xảy ra trong thời gian chấm thi, khu vực chấm có camera giám sát, công an và người làm công tác không được dùng điện thoại. Hết giờ chấm thi thì mọi người về khách sạn, chỉ chừa lại 2 thanh tra trực cùng với công an bám trụ phòng chấm thi để bảo quản bài thi, thiết bị...
Còn trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng phụ trách chấm thi trắc nghiệm cho học sinh tỉnh Bình Thuận với 14 cán bộ. Đồng thời, chấm thi tự luận thì có Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông của trường tham gia làm phó ban để cùng điều hành công tác chấm. Ngoài ra còn bố trí đội ngũ thanh tra, giám sát. Tổng số là 20 người tham gia.
Chia sẻ về các khâu ngăn ngừa tiêu cực, ông Phạm Thái Sơn cho biết: "Hiện tại công tác chấm thi trắc nghiệm được bố trí 2 phòng có gắn camera theo dõi 24/24. Khu vực chấm cũng được cách ly và có công an bảo vệ vòng ngoài. Bên trong khu vực phòng chấm thì có an ninh và cán bộ của trường đại học trực 24/24.
Với chấm tự luận thì được bố trí chấm 2 vòng độc lập. Số lượng cán bộ tham gia chấm thi là gần 100 cán bộ. Tất cả các phòng chấm thi, chấm kiểm tra đều có camera giám sát.
Và để đảm bảo an toàn thì khu vực chấm thi tự luận được bố trí trên 1 tầng có camera giám sát và công an bảo vệ. Ban chấm thi cũng bố trí 1 cán bộ lãnh đạo ban trực tại phòng để giám sát camera và nếu nhận thấy có sự cố bất thường sẽ giải quyết ngay lập tức. Nói chung công tác bảo mật và an toàn cho công tác chấm thi khá nghiêm ngặt. Tương tự, tại khu vực làm phách cũng bố trí như vậy và được giám sát bằng camera 24/24, công an bảo vệ.
Hàng ngàn người được huy động tham gia công tác chấm thi
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết đến 12h30 ngày 27/6, tất cả các bài thi đã được chuyển về Hội đồng chấm thi. Sáng 28/6, Sở làm phách, bàn giao bài trắc nghiệm cho ban chấm, cán bộ chấm thi đại học tiếp quản và chấm.
Chiều nay Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tổ chức tập huấn hội đồng chấm thi và triển khai chấm theo quy định của Bộ. Việc chấm tự luận kéo dài 5 ngày từ 30/6. Khoảng 620 cán bộ chấm thi, 80 cán bộ chấm thanh tra và với bộ phận lớn làm phách, so dò... tất cả khoảng hơn 2.000 cán bộ làm việc tại hội đồng chấm thi.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, cán bộ chấm thi phải nắm rõ hướng dẫn chấm thật sát sao, đúng quy chế cùng với bộ phận giám sát chặt chẽ. Ngay từ chiều nay, Sở sẽ tập huấn cho các tổ trưởng tổ chấm thi, tổ trưởng bộ môn, ban làm phách, cán bộ chấm kiểm tra.TP. HCM sẽ không để sai sót, sai lệch trong việc chấm thi.
Tất cả bài thi trắc nghiệm của hội đồng thi tại TP.HCM sẽ được chuyển cho 3 trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM phụ trách chấm gồm Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế - luật và Trường ĐH Khoa học tự nhiên.
Về khả năng ngừa tiêu cực khi chấm thi, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định: Phải thực hiện đúng quy chế và hướng dẫn chấm của Bộ. Ngoài giám khảo chấm chính thức, còn có 5% giám khảo chấm thẩm tra. Mỗi ngày kết thúc chấm đều phải tổ chức họp so dò, rút kinh nghiệm. Mỗi phòng chấm đều có bố trí camera quan sát 24/24 để đảm bảo bài thi không bị xê dịch đi nơi khác và theo dõi quá trình làm việc của giám khảo. “Chúng tôi gắn ít nhất 3 camera/phòng chấm để đảm bảo quan sát đủ mọi góc phòng chấm thi”, ông Hiếu nói.
Tại Đắk Lắk, khâu chấm thi trắc nghiệm do Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM phụ trách. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thì trường đã cử 16 cán bộ đi chấm thi.
"Chiều 27/6, bài thi từ điểm thi xa nhất trong tỉnh Đắk Lắk đã tập kết về đến điểm chấm thi. Tổ chấm đã họp phân công đến từng thành viên và quán triệt quy chế chấm thi trắc nghiệm. 7 máy quét tốc độ cao hoạt động tốt. Cán bộ chấm thi của trường sẽ thức đêm để chấm nên khả năng sẽ hoàn thành khâu chấm sớm hơn dự kiến”, ông Dũng nói.