Thêm hai môn học mới
Chia sẻ với PV Dân trí, TS Thái Văn Tài cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, cấp tiểu học có những điểm khác biệt so với chương trình hiện hành.
Cụ thể, theo thiết kế của Chương trình GDPT mới ở cấp tiểu học sẽ gồm 10 môn học và một hoạt động gồm: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (Lớp 3, 4, 5); Tự nhiên và xã hội (Lớp 1, 2, 3); Lịch sử và Địa lí (Lớp 4, 5); Khoa học (Lớp 4, 5); Tin học và Công nghệ (Lớp 3, 4, 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc và Mĩ thuật) và Hoạt động trải nghiệm (trong đó có tích hợp nội dung giáo dục của địa phương).
Nội dung môn học Giáo dục thể chất và Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Các môn học tự chọn (dạy ở những nơi có đủ điều kiện dạy học và phụ huynh học sinh có nguyện vọng): Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (dạy ở lớp 1, lớp 2).
So sánh kế hoạch giáo dục giữa chương trình GD tiểu học hiện hành và chương trình GD mới, có thể thấy Chương trình GDPT mới ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Tuy nhiên, trong chương trình có thêm 2 môn học mới là Ngoại ngữ 1, Tin học và Công nghệ.
Đối với một số địa phương, việc bổ sung giáo viên Tin học và Tiếng Anh là thách thức không nhỏ, nhất là trong tình hình tinh giản biên chế hiện nay.
Thứ hai, CTGDPT mới là chương trình học 2 buổi/ngày, do đó số tiết học trong một năm học đều tăng lên. Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, giảm áp lực học tập và góp phần giảm tải trong việc tổ chức thực hiện chương trình; đáp ứng yêu cầu quản lí và giáo dục HS của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học.
Như vậy, định hướng chung của đổi mới chương trình lần này là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của HS. Theo đó, HS cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động học tập; được tìm tòi, khám phá; được làm việc độc lập, hợp tác, trao đổi theo nhóm hay lớp, trong đó các em được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế. Tăng cường “tương tác” (giữa : HS - giáo viên; HS - HS; HS - Thiết bị dạy học; HS - môi trường nơi các em sinh sống...).
Đảm bảo cơ sở vật chất theo lộ trình
Có thể thấy trong Chương trình GDPT mới cấp tiểu học, có thêm hai môn học, chương trình được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày. Đây là thách thức không nhỏ với các địa phương.
Theo TS Tài, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó giao cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện một số nhiệm vụ.
Để đảm bảo đủ điều kiện CSVC, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục Mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2018 với mục tiêu: Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình GDPT theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Cụ thể: Giai đoạn 2017-2020 đối với Tiểu học: Kiên cố hóa trường, lớp học: Đầu tư xây dựng 5.900 phòng học tiểu học thay thế các phòng học tạm thời (bao gồm: phòng học tranh tre, nứa lá, đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp, cần xây dựng lại; phòng học nhờ, mượn, thuê tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Thứ hai, xây dựng bổ sung: 6.000 phòng học; 7.770 phòng chức năng (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục, hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập); 3.420 phòng thư viện.
Thứ ba, mua sắm bổ sung: 39.070 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và lớp 2; 258.620 bộ bàn ghế hai chỗ ngồi; 13.910 bộ máy tính; 1.980 bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ.
Trên cơ sở đó, cùng với các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương cần chủ động lên kế hoạch chi tiết, cụ thể để thực hiện được quy định của chương trình mới theo lộ trình như quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội: năm học 2020 - 2021ở lớp 1; năm học 2020 - 2021 ở lớp 2; năm học 2020 - 2021ở lớp 3; năm học 2020 - 2021ở lớp 4; năm học 2020 - 2021ở lớp 5 bảo đảm cho con em địa phương không thiệt thòi so với học sinh những nơi khác.