Hôm nay 14/6, khoảng 10.000 thí sinh của Hà Nội sẽ tiếp tục dự thi vào lớp 10 chuyên gồm: chuyên Toán, Tin, Ngữ văn, Sinh học, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Hàn (các môn thay thế).
Thời gian thi dự kiến là 120 phút với môn ngoại ngữ (8h30 - 10h30); 150 phút với môn Toán, Tin, Ngữ văn, Sinh học (8h30 - 11h).
Đề văn thiết thực với cả cuộc sống và văn chương
Nhận định về đề thi, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, trong khung cấu trúc quen thuộc của đề thi với hai câu nghị luận xã hội (3,5 điểm) và nghị luận văn học (6,5 điểm), đề thi tuyển sinh vào 10, môn Ngữ văn (chuyên) của Sở GD & ĐT Hà Nội năm học 2021 - 2022 đặt ra cho những người quan tâm nhiều suy nghĩ.
Trước hết là cảm giác hài lòng vì cả hai câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều đặt ra được những vấn đề hữu ích, thiết thực với cả cuộc sống và văn chương.
Câu nghị luận xã hội khá minh triết từ nhan đề cuốn sách, phần trích dẫn cho đến câu lệnh đều giúp học sinh nhanh chóng xác định đúng vấn đề cần bàn luận, đó là "Yêu thương chính những điều không hoàn hảo"! Đây vốn không phải vấn đề mới mẻ, từ ngàn xưa, con người đã thấu hiểu lẽ "nhân vô thập toàn", hiểu để chấp nhận, hiểu để bao dung, hiểu để tự điều chỉnh khắc phục và hướng tới sự hoàn hảo dẫu chỉ là tương đối (tất nhiên sự hoàn hảo, hoàn thiện luôn chỉ là tương đối trong cuộc sống, con người hay thiên nhiên vũ trụ).
Vấn đề dù không mới nhưng trong thời đại của thông tin, của những sự cố khủng hoảng truyền thông, của sự cạnh tranh và đánh giá nghiệt ngã, của bạt ngàn những cơ hội lựa chọn với nghề nghiệp hay các mối quan hệ… thì việc để học sinh bàn luận và thấu hiểu cả thế gian cũng như mỗi con người đều "có những điều không hoàn hảo" chính là cách giúp các em bình tâm, mạnh mẽ, nhân hậu hơn trước cuộc sống muôn mầu sắc.
Đề bài cũng có khả năng gợi mở cho học sinh những nghịch lí, những bí ẩn kì diệu trong tâm hồn con người khi chúng ta, thậm chí có thể yêu thương chính những vênh lệch, hao hụt, khuyết thiếu mà hờ hững với những sự được coi là hoàn hảo, toàn vẹn…!
Tuy nhiên, câu lệnh: "Từ gợi dẫn trên kết hợp với hiểu biết xã hội, hãy viết một bài văn nghị luận bàn về những điều chưa hoàn hảo mà em yêu thương" có đôi điều cần suy nghĩ thêm.
Câu lệnh này có ít nhất hai định hướng. Thứ nhất là định hướng về đối tượng nghị luận, đó không phải là chủ thể cảm nhận mà là đối tượng cảm nhận, cụ thể, đó là "những điều chưa hoàn hảo mà em yêu thương" - trong khi cái hay, sâu, kì diệu của vấn đề mở ra không chỉ ở đối tượng mà chủ yếu lại là chủ thể.
Thứ hai là định hướng về xúc cảm của học sinh khi chỉ có một lựa chọn duy nhất là "yêu thương" những điều chưa hoàn hảo nào đó các em nhắc tới! Học sinh sẽ không có không gian độc lập cho lựa chọn thái độ hoặc xúc cảm trước "những điều chưa hoàn hảo" - bởi không nhất thiết chỉ có sự yêu thương, chấp nhận hay bao dung trước "những điều chưa hoàn hảo" của mình, của người!
Bản chất của cuộc sống, con người là vận động hướng tới sự hoàn thiện, hoàn hảo - khao khát những vẻ đẹp tận thiện tận mĩ luôn là khao khát đẹp đẽ, nhân văn của con người, chính vì vậy, học sinh có thể đặt ra những vấn đề rộng hơn, xa hơn vể khát vọng hoàn hảo nếu không bị đề giới hạn trong định hướng.
Với câu lệnh: "Hãy trình bày suy nghĩ của em về quan niệm trên", có lẽ các em sẽ rộng đất hơn cho suy ngẫm chăng?
Câu nghị luận văn học đưa ra quan niệm về một trong những tiêu chí sống còn của thi ca, đó là "cái mới". Quan niệm "Trong nghệ thuật, không phải cái mới nào cũng hay, nhưng chắc chắn cái hay nào cũng mới" về cơ bản là chính xác khi khẳng định vai trò của sự sáng tạo mới mẻ trong nghệ thuật, như ý của Nam Cao: "Văn chương cần khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có", hay như ý của Leonit Leonop: "Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung"… Sự nhàm cũ, lặp lại là cái chết của nghệ thuật nói chung, của thi ca nói riêng.
Cũng cần nói thêm về biên độ ý nghĩa hơi rộng của từ "mới" trong cụm từ "cái hay nào cũng mới" - vì cái mới hàm chứa khá nhiều bình diện và mức độ, có thể là một cuộc cách mạng, có thể chỉ là đôi chút phá cách - nhiều khi một bài thơ hay chỉ bởi một tứ mới, một phá cách nho nhỏ trong hình thức hoặc nội dung, thậm chí vẫn trên nền cái truyền thống về thể loại, niêm luật hay ý tưởng…
Ví dụ Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu là một kiệt tác, trong đó tác giả đã có phá cách mới mẻ về niêm luật dù vẫn trong cấu trúc của thất ngôn bát cú. Nhưng chính chi tiết này lại tiềm tàng khả năng bàn luận, phản biện, trao đổi cho những học trò có năng lực văn chương, nếu có câu lệnh mang tính mở.
Câu lệnh của đề, "…hãy làm rõ những "cái mới" góp phần tạo nên "cái hay" của một vài bài thơ Việt Nam được sáng tác sau năm 1975 trong chương trình Ngữ văn 9" còn tạo ra giới hạn cho sự cảm thụ của học trò khi xác định rõ ngữ liệu các em được sử dụng để chứng minh quan niệm trong đề.
Giả thiết các em không thấy những "bài thơ Việt Nam được sáng tác sau năm 1975 trong chương trình Ngữ văn 9" là hay, cũng không tìm thấy cái mới, tất yếu các em phải ép mình khen hay, khen mới. Rất cần tháo những cái khung giới hạn cho các em được tự do suy tưởng và xúc cảm, nhất là với học sinh chuyên văn.
Đề có tính phân loại cao
Cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn, Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định: Đề có cấu trúc và hình thức quen thuộc, hoàn chỉnh với hai phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học
Câu 1: Đề yêu cầu viết bài văn nghị luận về "điều chưa hoàn hảo mà em yêu thương". Đây là vấn đề khá hấp dẫn, bởi lâu nay người ta thường quan niệm, để yêu thương phải gắn với cái tốt, cái đẹp, sự hấp dẫn, sự hoàn hảo…
Tuy nhiên nếu không hoàn hảo, đôi khi sẽ thiếu hụt yêu thương. Trong cuộc sống, ai cũng có những khiếm khuyết ở cả hai phương diện ngoại hình và tính cách. Sự không trọn vẹn, hoàn hảo tồn tại ở mọi lĩnh vực. Với đề văn này học sinh có cơ hội được bộc lộ suy nghĩ về mình và mọi người, giúp các em có cái nhìn khách quan, tích cực về những điều không trọn vẹn đó, trân trọng những điều đó.
Từ đó, các em biết yêu quý bản thân và những người xung quanh, nỗ lực hoàn thiện chính mình trong cuộc sống, biết bao dung, mở lòng khi thấy được những điều chưa trọn vẹn ở mọi người. Vấn đề nêu ra trong câu nghị luận xã hội khá hay, gần gũi, đi vào vấn đề lắng đọng với mỗi chúng ta.
Câu 2. Đề yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học với một vấn đề đã rất quen thuộc trong văn chương: Mới chưa chắc đã hay, hay phải mới. Cái mới dễ nhận biết, cái hay nằm ở tầm tư tưởng, tác động đến người đọc, lại phải phụ thuộc vào đối tượng tiếp nhận văn học. Đối tượng trình bày là học sinh lớp 9 (14, 15 tuổi) nên bằng trải nghiệm văn học, học sinh lớp 9 khó nhận ra cái hay (trừu tượng).
Trong sáng tạo nghệ thuật, chắc chắn mới là yêu cầu đầu tiên khẳng định tài năng của người nghệ sĩ. Tuy nhiên không thể tránh khỏi những cuộc "gặp gỡ" với một tác phẩm trước đó. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần phát hiện những xử lí tinh tế của nhà văn để tạo nên cái độc đáo, mới mẻ (có thể cả trên nên cái cũ). Đề có vẻ "tham lam" bởi yêu cầu học sinh quá lớn về lí luận. Câu lệnh "cái mới" - "cái hay" được thể thể hiện còn lủng củng, gây khó khăn cho học sinh khi phân tích đề.
Với đề thi này, học sinh đòi hỏi phải có kiến thức sâu, rộng cả về hiểu biết xã hội và kiến thức văn học. Đặc biệt phải thuần thục các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận mới có thể làm tốt đề này.
"Đây là một đề thi hay, có sức phân loại cao, kiểm tra khá toàn diện các đơn vị kiến thức, kĩ năng của thí sinh. Đề có khả năng khơi gợi sự hứng thú của học sinh, tuy nhiên câu NLVH vẫn còn hạn chế sức viết của học sinh khi giới hạn các tác phẩn sáng tác sau 1975" - cô Phượng nhấn mạnh.
Cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên Ngữ văn, trường THCS quốc tế Wellspring (Hà Nội) đánh giá: Cấu trúc đề thi Ngữ văn chuyên vẫn quen thuộc, vừa sức với thí sinh thi chuyên trong thời gian làm bài 150 phút đồng thời đề thi có khả năng đánh giá toàn diện với năng lực học sinh Hà Nội thi chuyên Văn gồm hai phần: Nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Theo cô Trang, Câu 1 (3,5 điểm) Câu hỏi nghị luận xã hội đặt ra vấn đề sáng rõ , sâu sắc để học sinh bày tỏ quan điểm, đó là vấn đề nghị luận "những điều chưa hoàn hảo mà em yêu thương", nhất là với lứa tuổi học sinh chuẩn bị bước vào THPT, các em có suy nghĩ nhận thức về cá tính, mong muốn khẳng định bản thân để được mọi người tôn trọng.
Câu 2. (6,5 điểm) Là câu hỏi yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học "phân tích làm rõ cái mới góp phần tạo nên cái hay trong các bài thơ sáng tác sau năm 1975 của chương trình Ngữ văn 9". Nội dung đề cập tới một vấn đề rất cơ bản của lý luận về tác phẩm văn học, đó là giá trị tác phẩm và tính sáng tạo của nhà văn.
Tuy nhiên, đây cũng là câu hỏi phân loại học sinh vì đòi hỏi các em phải có kiến thức lí luận chắc chắn và kiến thức sâu về tác phẩm, đồng thời cũng giới hạn phạm vi tác phẩm sau năm 1975 của chương trình Ngữ văn 9 chỉ có vài bài thơ: Nói với con, Mùa xuân nho nhỏ, Sang thu. Câu hỏi lí luận rộng bàn về cả tiêu chí nội dung và nghệ thuật của tác phẩm văn học.
"Nhìn chung, đề thi Văn chuyên của Hà Nội năm nay hay, có tính phân loại, tạo cơ hội để học sinh bày tỏ quan điểm và kiểm tra toàn diện kiến thức văn học và kiến thức xã hội cũng như kĩ năng làm bài của học sinh. Tuy nhiên, đề thi chưa mang tính đột phá, tính thời sự hoặc có cách tiếp cận mới đối với học sinh" - cô Trang chia sẻ.
Nhật Hồng - Báo Dân trí