Đây là một trong những nội dung nằm trong nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT đặt ra nhiệm vụ huy động các nguồn lực để thực hiện hỗ trợ học sinh, sinh viên có cha mẹ thuộc đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngành giáo dục không để học sinh, sinh viên nào vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường.
Bên cạnh đó, bộ ưu tiên đầu tư nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Ngành giáo dục chú trọng phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Bộ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và phát triển nguồn học liệu để các nhóm người học này được thực hiện đầy đủ quyền học tập của mình theo luật định.
Bộ GD&ĐT cũng đặt ra nhiệm vụ có giải pháp phù hợp để hỗ trợ giáo viên, người lao động trong ngành giáo dục bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là giáo viên, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Năm học 2021-2022, một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục là chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Theo đó, các sở GD&ĐT chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương.
Trong đó, địa phương triển khai có hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch, phối hợp ngành y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp.
Các trường tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngành giáo dục tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến cả trong trường hợp bình thường lẫn trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, không để bị động lúng túng, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học, giữ vững mục tiêu chất lượng giáo dục.
Trong đó, các địa phương không tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục mầm non, có hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến đối với các lớp 1 và lớp 2, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh từng vùng miền.
Trong bối cảnh công tác giảng dạy chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, ngành quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa.
Đồng thời, các đơn vị xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến dùng chung, hệ thống bài giảng chuẩn hóa, kho học liệu điện tử chia sẻ theo hướng tạo môi trường tương tác, tăng tính thích ứng và trải nghiệm đối với người học, tăng cường khả năng tự học cho học sinh, sinh viên.