Đạt điểm cao môn Sinh học không khó

05/10/2015
Đa số học sinh cho rằng môn toán khó nhất, Tuy nhiên những học sinh học khá môn toán cho rằng học toán dễ nhất. Thật vậy, học toán không cần phải nhớ quá nhiều như những môn khác.

Giời thiệu ôn tập môn Sinh hoc:

Môn sinh học vừa có đặc thù của một môn khoa học tự nhiên với những hệ thống lý thuyết tổng quát, với những công thức và hệ thống bài tập tương đối phức tạp vừa mang đặc thù của một môn khoa học thực nghiệm, có sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực nghiệm. Ở cấp độ phổ thông, đó là sự kết hợp giữa  hệ thống lý thuyết và hệ thống bài tập vận dụng tương ứng.

Ở nước ta hiện nay, đặc biệt là ở cấp Phổ thông việc gắn giữa lý thuyết và thực nghiệm ít được chú trọng, rất nhiều bài thực hành bị bỏ qua do vậy đối với rất nhiều học sinh, việc học môn Sinh chỉ đơn thuần là học thuộc lòng một “mớ” lý thuyết nên dễ gây nhàm chán và khô khan, thậm chí là rất khó hiểu.

Nội dung kiến thức trong kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi Đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12, tuy nhiên để nắm vững và làm tốt được, đòi hỏi học sinh phải có được hệ thống kiến thức nền có ở các cấp học và lớp học trước đó.

Để học tốt và làm bài tốt môn Sinh học trong kỳ thi Tốt nghiệp và kỳ thi Đại học sắp tới thiết nghĩ cũng không khó, chỉ có điều người học có tuân theo được những nguyên tắc của bí quyết ấy hay không? Những lời khuyên của tôi dành cho các em học sinh các lớp Chuyên Sinh THPT Chuyên Đại học Sư phạm sau đây hy vọng sẽ giúp ích cho các học sinh khác:

Có thái độ nghiêm túc trong học tập

Khi xác định học theo khối B hay đơn giản là thi tốt môn Sinh trong kỳ thi Tốt nghiệp, đơn thuần bạn đã có mục tiêu để theo đuổi. Khi đã có mục tiêu rồi, cần phải nghiêm túc xác định việc học là của bản thân mình, cho mình và kết quả cuối cùng do mình chịu trách nhiệm – không phải thầy cô, bố mẹ hay ai khác.

Không bỏ lỡ bất kỳ bài học nào

Mỗi nội dung kiến thức nằm trong một tổng thể, khi hiểu được vấn đề trước đó sẽ tạo tiền đề cho việc  hiểu những kiến thức sau. Ví dụ, nếu bạn không nắm được cấu tạo của gen thì bạn sẽ không hiểu được sự điều hòa biểu hiện gen, nếu bạn không nắm được cấu trúc NST bạn sẽ không hiểu được bản chất của đột biến cấu trúc và số lượng NST… Vì vậy, đừng bỏ bất kỳ bài học nào!

Có kế hoạch học sớm và học thường xuyên

Đừng đợi nước đến chân mới nhảy, khi đó thời gian sẽ tạo cho bạn một áp lực lớn, kết quả rất khó có thể đạt tối đa được. Hãy có kế hoạch  học sớm, thường xuyên. Hãy tiếp thu hết những kiến thức mà thầy cô giảng trên lớp, về nhà hệ thống hóa lại và mở rộng, đào sâu… hãy biết quý trọng thời gian trong các giờ học.

Rèn luyện bài tập vận dụng ngay sau khi học lý thuyết, định hướng trước các câu hỏi trắc nghiệm có thể ra về vấn đề mà mình đang học.

Khi học đến phần nào, hãy làm những bài tập vận dụng tương ứng, hãy suy nghĩ và dự đoán những câu trắc nghiệm có liên quan đến vấn đề đang học sẽ giúp đỡ các em rất nhiều.

Người có phương pháp học tốt là người vừa học vừa bảo vệ sức khỏe của mình!

Như đã nói ở trên, đừng “chơi dài” rồi khi không còn thời gian nữa thì “co giò mà chạy” học khuya đến 2h sáng, 3h sáng là một thói quen không tốt và ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe thần kinh! Hãy tạo thói quen ăn uống và chế độ nghỉ ngơi hợp lý, khoa học để giữ sức khỏe chuẩn bị cho kỳ thi.

Đừng bao giờ ngần ngại hỏi những người khác

Đừng ngại hỏi người khác, đặc biệt là thầy, cô và các bạn khác khi hỏi và được trả lời là một phương pháp để nhớ kiến thức tốt.

Thời gian học và thời gian biểu 

Với những học sinh sử có thái độ học như đã kể trên, việc học tốt môn Sinh không có gì là khó khăn. Tuy nhiên, với cách học để thi thì việc định lượng khoảng thời gian trước khi thi là rất quan trọng. Hãy lập một kế hoạch học và thời gian biểu cho môn Sinh học cũng như tất cả các môn học khác. Tuần này, sẽ học hết những phần nào, hiểu bằng được các dạng bài tập nào, làm nhuần nhuyễn dạng bài tập nào… sẽ làm bạn bớt căng thẳng.

Phương pháp đọc và ghi nhớ

Trên lớp, hãy cố gắng ghi nhớ những gì thầy cô giảng. Nên sử dụng phương pháp sơ đồ hệ thống hóa kiến thức kiểu bản đồ tư duy. Nên sử dụng bút nhớ trong quá trình đọc. Tuy nhiên, đừng tô vàng cả cuốn sách, hãy tìm những từ khóa, đánh dấu và nhớ những từ khóa đó. Các em sẽ thấy việc nhớ kiến thức Sinh cũng chẳng phải là cực hình đâu!

Vận dụng bài tập để hiểu lý thuyết

Một bước cũng rất quan trọng là làm bài tập nhuần nhuyễn, đặc biệt là các bài tập vận dũng những kiến thức lý thuyết đã  học. Hệ thống lại các dạng bài tập để dễ ghi nhớ.

Với kỳ kiểm tra, đọc kỹ đề trước khi làm bài

Đây là điều muôn thủa giáo viên nhắc học sinh nhưng rất nhiều học sinh không để ý đến điều này, đặc biệt trong đề trắc nghiệm hãy chú ý những câu mang tính chất phủ định để trả lời câu hỏi một cách chính xác. Ví dụ: Điều khẳng định nào dưới đây là không chính xác về Chọn lọc tự nhiên?

Làm câu dễ trước, làm câu khó sau đừng để mất điểm một cách ngớ ngẩn, nên làm bài theo nhiều vòng.

Đối với bài thi trắc nghiệm, đừng làm tuần tự từ đầu đến hết điều này sẽ dẫn đến tình trạng mắc kẹt và đi vào bế tắc mặc dù nhiều câu khác có thể làm được. Theo kinh nghiệm của tôi, nên làm bài thi làm nhiều vòng, lượt thứ nhất có thể trả lời nhanh được 50% số câu hỏi tùy khả năng, lượt thứ 2 suy nghĩ để trả lời  những câu còn lại. Đừng mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi.

Như vậy, việc học môn Sinh học không hề khó, không hề là học thuộc lòng một mớ lý thuyết như nhiều học sinh suy nghĩ. Nếu vận dụng được các phương pháp tư duy, phương pháp  học có kế hoạch và khoa học, cũng như các thức làm bài thi phù hợp, để giành được điểm cao trong môn Sinh không khó!
 

Thạc sĩ Nguyễn Thành Công

( GV Chuyên Sinh, trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm HN)

**********************

Học chắc, thi tốt.

Môn Sinh học lớp 12 tương đối dài, khó. Đề thi trắc nghiệm môn Sinh có cả phần lí thuyết và bài tập, học sinh khó học khó nhớ. Vài kinh nghiệm nhỏ sau sẽ giúp học sinh ôn tập và làm tốt bài thi môn này:

- Khi ôn tập:

Trước hết, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng và sách giáo khoa: Chuẩn kiến thức, kỹ năng và sách giáo khoa được xem như tài liệu chuẩn hướng dẫn học sinh triển khai đề cương ôn tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng đúng với trọng tâm, không lan man, ôm đồm, quá tải. Điều quan trọng là học sinh cần hệ thống lại phần kiến thức đã học sao cho “ôn đến đâu chắc đến đó”.

Tiếp đó, giải các bài tập trong sách giáo khoa. Muốn giải nhanh các bài tập học sinh phải học kỹ lý thuyết. Bất kỳ môn nào, nếu lý thuyết được hiểu đến nơi đến chốn thì sẽ giải quyết bài tập nhanh hơn. 

Ví dụ: Chương 2, Quy luật di truyền nên tách ra học và đặt câu hỏi “như thế nào” đối với từng cặp phép lai, phép lai 1 cặp tính trạng và phép lai 2 cặp tính trạng, quy luật di truyền nào bị chi phối. Nếu phân biệt được thì các em sẽ làm bài rất hiệu quả và nhanh.

Chú ý câu hỏi thêm có ký hiệu hình tam giác, các em nên  tự xây dựng cách trả lời tất cả câu hỏi đó bởi chúng rất có thể  sẽ là những câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm. Cũng cần chú ý là khi tìm ra được đáp án trong thi trắc nghiệm thì nên đặt lại câu hỏi tại sao đáp án này đúng và có cách giải thích phù hợp theo lý thuyết đã học. Trong sách bài tập Sinh học có rất nhiều câu hỏi trắc nghiệm, các em nên trả lời hết tất cả các câu hỏi, nếu trả lời được hết coi như học sinh đã làm được bài thi đạt 80-90% .

Ngoài ra, các em nên tham khảo các đề thi trắc nghiệm môn Sinh học của Bộ GD-ĐT để xem khả năng của mình như thế nào. Trong quá trình ôn tập làm thử cũng nên canh thời gian làm bài theo quy định của đề thi. Cái khó thì phải suy luận để xem cái nào bất hợp lý trong đáp án. Có hai cách giải quyết câu hỏi trắc nghiệm: Một là nhận ra phương án đúng, hai là loại trừ phương án sai.

- Khi làm bài: Tuy học thuộc bài nhưng không ít học sinh trong các kỳ thi vẫn không đạt điểm cao, thậm chí bị trượt, chính là do không chú ý đến phương pháp làm bài. Vậy để có một phương pháp làm bài hiệu quả, cần chú ý  những yếu tố sau đây:

Trước hết, các em chuẩn bị sẵn sàng một barem đánh số từ 1 đến 50, đọc lướt nhanh chừng 1 phút mỗi câu, nhận ra phương án đúng thì ghi vào bên cạnh barem (a/b/c/d.), câu tính toán hoặc chưa quyết định chừa lại. Sau khi đã đến câu cuối (câu 50) thì rà soát lại các câu chưa kết luận cuối cùng. Tranh thủ thời gian giải  quyết các câu tính toán. Các câu này thường suy luận đưa ra một công thức dạng chuỗi phép tính liên hoàn, rồi dùng máy kiểm thử so sánh với phương án trên đề. Cái khó của toán sinh là từ ngữ cũng thay bằng số được. Ví dụ, “một nửa trong số ruồi đem lai tương đương (1/2 = 50%)”, “một nửa số cá thể đực trong đàn” có thể hiểu bằng 25% của tổng số cá thể trong đàn…

Thận trọng khi tính toán và đừng quên kiểm thử với đáp án, bởi thi trắc nghiệm chỉ chính xác đúng-sai mà thôi. Đừng để mất quá  nhiều thời gian dành cho các câu khó. Trung bình đề có 50 câu, 35 câu không tính toán cố gắng làm trọn trong 40 phút, 15 câu còn lại chiếm hết 40 phút là dạng đề khó, bảo đảm tính thi tuyển, chọi nhau.

Điều quyết định sự thành công là ôn tập có thứ tự, biết phân phối thời gian, làm thử nhiều đề, đọc nhiều sẽ giúp ta phát hiện nhanh, linh hoạt trong tính toán, thử sai, loại trừ… Đọc hiểu nhanh, suy nghĩ lôgic, bấm máy chính xác, tự tin cộng với ôn luyện sẽ là những yếu tố quan trọng để thi tốt.

Thi trắc nghiệm là một lợi thế của môn Sinh học nên không phải diễn giải nhưng học sinh phải học thuộc và nắm chắc, hiểu đúng từ luận của đề thì mới đủ tự tin, an tâm làm được bài. Hơn nữa, thi trắc nghiệm kiến thức dàn trải nên khi ôn tập, học sinh không nên bỏ phần nào trong sách giáo khoa, thậm chí không được bỏ 1 mục nhỏ nào.

Nguyễn Văn Phiên
(Nguyễn Văn Phiên, Trường THPT Lê Thành Phương, Tuy An, Phú Yên)

Tin liên quan


Lịch học

Tin tức nổi bật

THỐNG KÊ
Tổng truy cập
1303310
Trong tháng
003430
Trong tuần
657479
Trong ngày
000336
Trực tuyến
000003
liên hệ ngay

" PICEN – HỘI TỤ TINH HOA, LAN TỎA TRI THỨC "

Zalo
favebook
0901.787.066